Bảo tàng Cội Nguồn Phú Quốc - Nơi giữ hồn cho đảo

Ấn tượng đầu tiên nơi “Cội Nguồn” là câu chuyện về bà Kim Giao và bước chân của những người đầu tiên thời nhà Mạc trong công cuộc khám phá, khai khẩn đảo Phú Quốc từ cuối thế kỷ 17.

Từ một khu đảo hoang sơ, nhà Mạc đã cai quản và lập thành 7 xã. Năm 1708, Mạc Cửu xin sát nhập vùng đất Hà Tiên vào xứ Đàng Trong và Phú Quốc được cai quản trực tiếp bởi một tổng trấn nhà Mạc. Nếu chiếu theo khái niệm “kinh tế mở” ngày nay, thì ngay từ thuở đó, Phú Quốc đã là khu kinh tế mở đầu tiên và sớm nhất ở vùng đất cực Nam này. Với chính sách phóng khoáng nhằm kích thích cư dân đất liền ra đảo, người dân được tự do khai khẩn mà không phải nộp thuế...,tiếng tăm Phú Quốc ngày một vang xa, lưu dân dồn tụ về ngày càng đông. Đến thời nhà Nguyễn, ngay từ cuối thế kỷ 18, Chúa Nguyễn đã nhiều lần đặt chân lên đảo Phú Quốc trong các cuộc quyết chiến với nhà Tây Sơn. Dưới Triều nhà Nguyễn, Phú Quốc được mở mang, cho dân tự do khai thác, buôn bán mà không phải nộp sưu thuế. Nhờ vậy, suốt thời nhà Nguyễn, Phú Quốc phát triển hết sức phồn thịnh.

Cảnh bình minh trên đảo ngọc Phú Quốc(Ảnh: Internet)

Vết tích mũi kiếm của Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với quân Tây Sơn vẫn còn đến ngày nay. Và kỳ thú hơn, nó hiện hữu và được kể lại một cách sống động tại Bảo tàng Cội Nguồn...

Phú Quốc đã hân hạnh đón chân vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực- người anh hùng áo vải chân không đánh giặc giàu lòng hiếu thảo, yêu nước thương dân, Bảo tàng dành một gian trưng bày trang trọng hình ảnh, hiện vật liên quan đến cụ Nguyễn để giới thiệu cho du khách và giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần yêu nước và phẩm chất tốt đẹp người nông dân tiêu biểu....  

Bảo tàng Cội Nguồn (Ảnh: Internet)

Tất cả hồn vía Phú Quốc hiện hữu trong “Cội Nguồn” được anh Huỳnh Phước Huệ-37 tuổi, bỏ ra số vốn lớn để lập bảo tàng tư nhân trên triền đất rộng 6 ha giữa đảo. Một khu bảo tàng độc đáo, kỳ thú từ khung cảnh, kiến trúc đến hiện vật. Những câu chuyện về đảo Phú Quốc, hồn vía Phú Quốc được phục dựng và kể lại sinh động tại bảo tàng của Huệ.

Huệ thiết kế cho “Cội Nguồn” của mình thành các khu riêng biệt nhưng liên kết bằng những con đường nhỏ ngoằn ngoèo theo trườn dốc: khu trưng bày mỹ nghệ gỗ lũa; khu sản phẩm quà lưu niệm, trang sức ngọc trai; nhà sàn nông thôn Phú Quốc, khu bảo tồn chó xoáy, chim đại bàng biển...

Đền thờ Nguyễn Trung Trực​ (Ảnh: Internet)

Ra Phú Quốc, bước chân đầu tiên nên đến chính là Bảo tàng Cội Nguồn. Đến để thấy sự đam mê đến lạ của một vị chủ nhân trẻ tuổi, để thấy trong sự đam mê kỳ quái đó, trong hình bóng hiện hữu từ hơn 3.000 cổ vật kia là những câu chuyện về đất người, trời biển Phú Quốc, là hồn vía của hòn đảo kỳ thú, hấp dẫn nơi cực Nam này.

Thục Đoan