Bảo tàng Bắc Ninh bảo tồn hệ thống di sản văn hóa Hán Nôm

Hệ thống di sản Hán Nôm là một thành tố trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam ta, góp phần tạo nên nét đa dạng cũng như bản sắc văn hóa Việt. Di sản Hán Nôm là một loại tài liệu khoa học chứa đựng nhiều thông tin đa dạng về các lĩnh vực của đời sống xã hội, là mối dây liên kết giữa quá khứ - hiện tại và gìn giữ cho thế hệ tương lai một chiều dài lịch sử đậm đà bản sắc dân tộc. Nước ta có 2 di sản Hán - Nôm đã được UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương công nhận là Di sản ký ức/ tư liệu của nhân loại là Châu bản Triều Nguyễn và Hệ thống bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.

Bắc Ninh là một trong những cái nôi của dân tộc Việt Nam cũng là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử và di sản văn hóa tiêu biểu, trong đó phải kể đến loại hình di sản văn hóa Hán - Nôm. Tại Bảo tàng Bắc Ninh hiện đang lưu trữ và bảo quản nguồn tư liệu Hán - Nôm rất phong phú và đa dạng, gồm nhiều loại hình như thần tích, sắc phong, địa bạ, gia phả, văn tế, văn cúng, văn bia, văn chuông, hoành phi, câu đối… Trong số những loại hình di sản trên thì đáng chú ý nhất là hệ thống 64 bia đá hiện đang được trưng bày tại khuôn viên của Bảo tàng. Những tấm bia này chứa đựng nhiều thông tin quan trọng về lịch sử văn hóa mà thông qua đó các nhà nghiên cứu có thể hiểu được về lịch sử hình thành một vùng đất, công lao của một số danh nhân đối với lịch sử của dân tộc, phong tục tín ngưỡng của một cộng đồng dân cư. Nội dung văn bia trưng bày bao gồm:

1. Bia ghi về truyền thống khoa bảng ở các địa phương

Bắc Ninh là nơi có truyền thống hiếu học, khoa bảng vẻ vang hạng nhất của cả nước. Để tôn vinh và phát huy tích cực hơn nữa truyền thống đó, ngay từ Thời Lê, nhân dân đã chú trọng xây dựng Văn miếu hàng tỉnh và Văn chỉ hàng huyện, hàng tổng, hàng xã đồng thời dựng bia lưu danh như:

- Bia “Tái tạo văn miếu bi” dựng năm Vĩnh Trị thứ 2 (1676) nội dung ghi chép về việc tôn tạo văn miếu xã Trà Lâm, huyện Siêu Loại (nay là thôn Trà Lâm, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành). Hiện chỉ còn thác bản bia lưu tại Bảo tàng Bắc Ninh và Viện Thông tin Khoa học xã hội.

- Bia “Tu tạo tiên hiền tiến sĩ bi” do Tiến sỹ Phạm Công Quyền soạn văn, Nguyễn Quang Thuận và môn đệ khắc năm Chính Hoà thứ 12 (1691). Nội dung văn bia cho biết mục đích của việc tạo dựng bia Văn chỉ và họ tên 60 vị tiến sỹ, cử nhân ở từng tổng của huyện Lương Tài thời Lê - Mạc. Bia được lưu ở Từ vũ huyện Lương Tài ở xã Quảng Nạp (nay là xã Quảng Phú) và năm 2004 Bảo tàng Bắc Ninh phục chế theo tỉ lệ 1/1 để lưu giữ.

- Bia ở Từ chỉ huyện Yên Phong dựng vào đời vua Minh Mệnh thứ 8 (1827) ghi khắc họ tên khoa danh 41 vị đại khoa của huyện theo thứ tự khoa thi - từ người đỗ đầu tiên của huyện là Chu Xa (đỗ Tiến sỹ năm 1433) đến người đỗ cuối cùng là Tiến sỹ Lê Duy Đản (đỗ năm 1775). Xưa bia được đặt ở Từ chỉ Yên Phong xây dựng ở xã Yên Phụ. Tấm bia được sưu tầm về Bảo tàng Bắc Ninh để bảo tồn và phát huy tác dụng.

- Bia Văn chỉ xã La Miệt, huyện Quế Dương ghi tên những người đỗ đạt tiến sĩ, cử nhân ở địa phương, trong đó có Tiến sĩ Nguyễn Bỉnh Trục, Nguyễn Công Tư điện viên tiên chính, Giám sinh huấn Nguyễn Công tự Khắc tiên sinh và những người công đức tiền của vào việc xây dựng văn chỉ của làng La Miệt, xã Yên Giả. Xưa bia thuộc văn chỉ xóm Ngoài xã La Miệt1 nay thuộc đất của gia đình ông Nguyễn Hữu Thông xóm 3 thôn La Miệt, xã Yên Giả, huyện Quế Võ. Năm 2008, chính quyền địa phương giao lại cho Bảo tàng lưu giữ.

- Bia “Tiên Du văn chỉ bi ký” dựng năm Tự Đức thứ 20 (1867) nội dung ghi việc xây dựng Từ vũ để tôn thờ các bậc tiên hiền và việc đặt ruộng tế, sắm đồ tế khí, định điều lệ quy định đối với người viết văn tế, lệ mừng tiền và lệ viếng khi mất đối với các vị đại khoa. Bia được đặt ở Văn từ huyện Tiên Du thuộc làng Đông, xã Đại Sơn, tổng Đông Sơn, huyện Tiên Du nay đặt ở đình thôn Đông, xã Hoàn Sơn. Tấm bia ở Bảo tàng được phục chế nguyên bản theo tỉ lệ 1/1 của tấm bia lưu tại di tích.

- Bia “Bản tổng văn chỉ bi ký” dựng năm Tự Đức thứ 27 (1873) ghi khắc về những người đỗ đạt ở địa phương, những người có lòng hảo tâm công đức để tu sửa Văn chỉ tổng Đình Tổ, huyện Siêu Loại và quá trình hình thành và mở chợ Bút Tháp, tổng Đình Tổ. Bia xưa được đặt ở Văn chỉ thôn Đình Tổ và được chuyển về Bảo tàng Bắc Ninh năm 2005.

- Bia “Quế Dương văn từ bi ký”ghi danh các vị đại khoa của huyện Quế Dương thời Phong kiến. Xưa bia đặt ở Văn chỉ huyện Quế Dương thuộc xóm Đông, làng Bồng Lai, xã Bồng Lai, huyện Quế Dương (nay là huyện Quế Võ). Tấm bia này đã được đưa về Bảo tàng tháng 7/2008.

- Bia “Kim bảng lưu phương” dựng năm Thành Thái nguyên niên (1889) ghi danh các vị đại khoa thời phong kiến tỉnh Bắc Ninh từ khoa thi đầu tiên năm 1075 là Trạng nguyên Lê Văn Thịnh đến khoa thi năm 1469 là Đệ tam giáp đồng tiến sĩ Đàm Văn Lễ. Bia được phục chế tỉ lệ 1/1 theo bia lưu tại Văn miếu Bắc Ninh.

- Bia “Bản tổng quyên tiền bi ký” dựng vào thế kỷ XIX, ghi chép về việc những người quyên tiền công đức dựng bia và những người đỗ đạt văn khoa, võ khoa Thời Lê của tổng Đại Toán, huyện Quế Dương (nay là xã Chi Lăng, huyện Quế Võ). Trước đây, bia đặt ở Văn chỉ tổng Đại Toán và được đưa về Bảo tàng năm 2004.

- Bia “Văn miếu tế điền bi ký” dựng vào thế kỷ XIX ghi chép về việc tế lễ, các ruộng đất để canh tác phục vụ cho việc tế lễ và tu sửa văn miếu huyện Đông Ngàn. Xưa bia được lưu ở văn miếu huyện Đông Ngàn ở làng Hà Khê, xã Vân Hà (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) đến năm 1999 thì đưa về lưu trữ tại Bảo tàng.

- Bia “Tam Sơn xã đăng khoa bi ký” do cụ nghè Nguyễn Thiện Kế soạn năm Thành Thái thứ 14 (1901) hiện còn ở chùa Tam Sơn cho biết từ năm 1246 đến năm 1721 Tam Sơn có 16 bậc đại khoa đủ cả trạng nguyên, bảng nhãn, bhám hoa, tiến sĩ thuộc hai dòng họ Ngô Nguyễn. Bia được phục chế năm 2007 để trưng bày tại Bảo tàng.

2. Bia Hậu thần/ Hậu Phật ở các di tích đình, đền, chùa

Theo khảo sát của Bảo tàng thì hầu hết các đình, đền, chùa ở các địa phương đều có các bia Hậu. Hiện ở Bảo tàng Bắc Ninh lưu giữ 26 bia Hậu, trong đó có một số bia tiêu biểu như:

- Bia “Phụng sự bi ký” dựng năm Chính Hòa thứ 17 (1696) ghi chép về công lao của Tư lễ kiêm Thái giám thực nghĩa hầu Nguyễn Viết Thọ xã Lạc Nhuế, tổng Nguyễn Xá, huyện Yên Phong (nay là thôn Lạc Nhuế, Thụy Hòa, Yên Phong) đã có công lớn với bản xã nên được nhân dân lập bia ghi công đức và trách nhiệm cúng giỗ.

- Bia “Khai Nghiêm bi ký” dựng năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1797) ghi chép về việc xây dựng chùa Khai Nghiêm, thôn Vọng Nguyệt, Tam Giang, Yên Phong do Chính nghị đại phu Trương Hán Siêu soạn vào thời Trần, trùng khắc vào năm Đinh Tỵ. 

- Bia tượng phù điêu: Hiện trong khuôn viên Bảo tàng có 2 tấm bia tượng phù điêu. Bia thứ nhất là bia “Hậu Phật tượng vị ký” tạc chân dung bà Nhân Đầm Quý Thị và ông Nguyễn Quý Công là người có tâm công đức tiền của xây dựng chùa Bảo Quang (chùa Bụt Mọc) làng Sơn Đông, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh. Bia thứ 2 là bia “Hậu Phật tượng ký” dựng năm Cảnh Hưng thứ 14 (1753) tạc chân dung người Hậu Phật ở chùa làng Cẩm Giang, phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn. 

3. Bia ghi về các bậc danh nhân, danh nho của Bắc Ninh

- Bia “Lý gia linh thạch” dựng năm Cảnh Thịnh nguyên niên (1793) tại chùa Tiêu (Thiên Tâm tự), xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn ghi chép về việc thụ thai Lý Công Uẩn của bà Phạm Thị.

- Bia “Bách thế vĩnh thùy - Sự thần y liệt” dựng năm Cảnh Hưng thứ 27 (1766) ghi chép về công lao to lớn của Thám hoa Nguyễn Thế Lập được nhân dân Tân Thịnh, xã Bồng Lai, huyện Quế Võ tôn thờ làm Thành hoàng làng. Tấm bia hiện được đặt trang trọng tại đình làng thôn Tân Thịnh và Bảo tàng đã phục chế tỉ lệ 1/1 theo nguyên bản tấm bia lưu tại đình làng Tân Thịnh để trưng bày.

- Bia “Hương hiền bi ký” dựng năm Thành Thái thứ 14 (1902) ghi chép về những danh nhân của làng Hoài Thượng, xã Liên Bão, huyện Tiên Du.

4. Bia mộ

-  Bia mộ dựng năm Chính Hòa thứ 7 (1686) ghi chép về một vị quan ở thôn Rích Gạo, xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn.

- Bia mộ của quan ba Pháp Ange Pisella bị tiêu diệt trong trận đánh tại khu vực núi chùa Đèo, Thị Cầu ngày 15-11-1925.

- Bia mộ Tổ họ Nguyễn khắc năm 1484 thuộc nhà thờ 18 vị tiến sĩ làng Kim Đôi, xã Kim Chân, thành phố Bắc Ninh do Trạng nguyên Lương Thế Vinh soạn. Một mặt bia khắc khi dòng chữ “Từ Mẫu Nguyễn Công kỵ thất Hoàng thị chi mộ chí”, mặt kia ghi chép về lai lịch dòng họ, công sinh thành nuôi dưỡng, giáo dục các con ăn học của cha mẹ và sự thành danh của các Tiến sỹ.

5. Cây hương đá

- Cây hương “Thiên hương thạch trụ” ở đền thờ Lý triều Thánh Mẫu ghi chép việc dựng cây hương ở đền vào năm Vĩnh Thịnh nguyên niên 1705.

- Cây hương “Thạch trụ hương linh” dựng năm Kỷ Sửu 1757 ở chùa làng Tỳ Điện, xã Phú Khòa, huyện Lương Tài.

- Cây hương phát hiện tại khu công nghiệp Tiên Sơn, huyện Tiên Du.

 Ngoài ra, trong khuôn viên của Bảo tàng còn trưng bày tấm bia “Mai tộc gia phả” dựng năm Bảo Đại thứ 16 (1944) ghi chép về gia phả và 4 tiến sĩ của gia tộc họ Mai, thôn Trung, xã Đào Viên, huyện Quế Võ); bia “Thạch kiều bi ký” dựng vào thế kỷ XIX ghi chép về việc làm cầu ở chùa Chanh, thôn Cẩm Giang, phương Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn; và chiếc khánh đá phục chế tỉ lệ 1/1 theo chiếc khánh đá ở chùa Tam Sơn, xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn.

Đặc biệt, hiện Bảo tàng đang lưu giữ tấm bia “Xá lợi tháp minh” được coi là “tấm bia cổ nhất Việt Nam”. Nội dung văn bia cho chúng ta biết về sự kiện dựng tháp và đặt xá lợi vào năm Nhân Thọ nguyên niên (601) đời Vua Tuỳ Văn Đế ở chùa Thiền Chúng, huyện Long Biên, đất Giao Châu và nhiều thông tin quan trọng giúp cho việc nghiên cứu về tình hình chính trị, giao thông, quan hệ ngoại giao, lịch sử Phật giáo Việt Nam thời Tiền Lý. Bia do ông Nguyễn Văn Đức ở Xuân Quan, Trí Quả, Thuận Thành phát hiện trong khi đào đất làm gạch ở khu đồng Sau Chùa (khu vực này xưa thuộc đất chùa), cách chùa làng Xuân Quan hiện nay 20m và hiến tặng cho Bảo tàng.

Ngoài những văn bia, văn chuông đang được lưu giữ và trưng bày, hiện vẫn còn rất nhiều những văn bia đang được lưu trữ tại các làng xóm, một số khác còn đang bị lớp bụi thời gian che phủ. Để bảo tồn hệ thống những di sản văn bia tại các địa phương, Bảo tàng cũng đã dày công trong việc in dập và lưu trữ hơn 1.700 trang bản dập Hán - Nôm bao gồm:

- Bản dập văn bia/ văn chuông ghi chép về việc xây dựng đình, chùa và các công trình công cộng ở địa phương; về việc đặt Hậu, gửi giỗ trong chùa và phong tục tín ngưỡng thờ cúng, tế lễ của địa phương, các gia tộc... Số lượng các bản dập này được thống kê hơn 1.500 trang.

- Gần 100 trang bản dập văn bia ghi chép về việc học hành thi cử, lai lịch, học vị, khoa thi, chức tước, công trạng của các danh nhân khoa bảng ở các địa phương.

- Các bia ngọc phả, thần tích ghi chép về thân thế sự nghiệp của các nhân vật lịch sử hay những người có công với dân với nước được nhân dân tôn thờ là 36 trang.

- Văn bia mộ, ngai thờ, bài vị… khoảng 10 trang.

Bảo tàng cũng đã tiến hành khảo sát và tổng hợp tư liệu Hán - Nôm trên địa bàn toàn tỉnh để có những kế hoạch sưu tầm và dịch thuật cụ thể. Theo nguồn thống kê của Bảo tàng thì hiện nay trên toàn tỉnh còn lưu giữ được các tài liệu Hán - Nôm sau:

- Thần tích: 303 cuốn;

- Sắc phong:  2.510 đạo;

- Bia đá: 1.278 bia;

- Cây hương đá: 68 cây;

- Chuông đồng: 200 quả;

- Hoành phi/ Đại tự: 1.148 bức;

- Câu đối: 1.432 đôi;

- Khánh đá: 8 chiếc.

Ngoài các tư liệu thống kê trên, tại các địa phương còn có các tư liệu khác như ván khắc, biển chữ, văn tế, địa bạ, hương ước, gia phả, kinh sách… Những tư liệu này hiện chưa có số liệu cụ thể nhưng số lượng chắc chắn sẽ nhiều hơn tài liệu thần tích. Như vậy có thể thấy được nguồn tài liệu Hán - Nôm trong dân gian vẫn còn rất phong phú và đa dạng mà Bảo tàng cần có kế hoạch nghiên cứu sưu tầm.

Một vài nhận xét và đề xuất:

Thứ nhất, việc lưu giữ và trưng bày hệ thống bia đá với nhiều nội dung phong phú của Bảo tàng Bắc Ninh đã thể hiện được tầm quan trọng trong công tác bảo tồn hệ thống di sản văn hóa Hán - Nôm của địa phương. Tuy nhiên, việc trưng bày này mới chỉ diễn ra theo kiểu “lấp chỗ trống” mà chưa phân theo những nội dung cụ thể. Điều này không những gây khó khăn cho công tác thuyết minh của Bảo tàng mà còn khó hiểu đối với khách tham quan.

Thứ hai, hầu hết các bia lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng chưa được phiên âm và dịch thuật để có thể hiểu hết được những nội dung mà thư tịch Hán - Nôm muốn truyền tải.

Thứ ba, đa phần những bia đá này đều đặt ở khuôn viên ngoài trời, không có mái che nên khó có thể bảo quản lâu dài. Một số hiện vật thì bị mờ số gây khó khăn cho công tác kiểm kê.

Thứ tư, một số bản dập văn bia qua thời gian đã bị mờ chữ gây khó khăn cho công tác dịch thuật.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, để bảo tồn và phát huy hơn nữa các di sản Hán - Nôm ở địa phương, Bảo tàng Bắc Ninh cần “chuyên nghiệp hóa” trong khâu xây dựng nội dung trưng bày; chú trọng nhiều hơn trong khâu in dập đặc biệt là về chất lượng các bản dập để bảo đảm cho việc bảo quản được lâu dài; cần biên tập xuất bản dưới dạng ấn phẩm các di sản văn hóa Hán Nôm để kéo dài được tuổi thọ của chúng và số hóa các văn bản Hán Nôm ở các địa phương để thuận lợi cho công tác kiểm kê và sưu tầm.       

Quả vậy, hệ thống thư tịch Hán - Nôm cổ trên hệ thống bia đá tại Bảo tàng Bắc Ninh còn lại đến nay khá phong phú, đa dạng, tương đối lâu bền giúp hậu thế hiểu được cuộc sống xa xưa của cha ông và những tinh hoa văn hoá truyền lại. Hệ thống thư tịch Hán - Nôm cổ chưa được thống kê và khai thác đầy đủ, thậm chí có nơi còn làm thất thoát, nhưng chỉ với số ít lượng thư tịch cổ này được khai thác sử dụng cũng đã làm sáng danh miền quê văn hiến.

ThS Phan Thị An Ngọc

Top