Báo quốc tế: Quên Phuket đi, đây là Phú Quốc - niềm hi vọng lớn của du lịch Việt Nam
Điều này hoàn toàn trái ngược hoàn toàn với số phận hẩm hiu của các khu du lịch biển trong khu vực như Phuket (Thái Lan)…
Tờ SCMP dẫn chuyện, vào buổi chiều muộn tại Phú Quốc - hòn đảo lớn nhất Việt Nam, các cặp đôi và gia đình thư giãn tại một quán bar được thiết kế theo phong cách Trung Đông bên bãi biển, uống nước khi ngắm mặt trời lặn nơi cuối chân trời. Cách đó vài mét, những đứa trẻ mải mê xây lâu đài cát và nô đùa thỏa thích với từng đợt sóng. Đây dường như là cảnh tượng quá xa vời trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành khắp thế giới với số ca nhiễm mới tăng đột biến và chính sách đóng cửa vẫn được áp dụng tại nhiều nơi ở châu Á và châu Âu.
Theo SCMP, Phú Quốc trở thành niềm hi vọng lớn thúc đẩy du lịch Việt Nam.
Nhưng đó lại là thực tế ở Việt Nam. Cuộc sống nơi đây gần như đã trở lại bình thường, nhờ nhiều giải pháp ngăn chặn dịch bệnh bao gồm cả việc đóng cửa biên giới từ tháng 3/2020. Chỉ có công dân Việt Nam về nước, các nhà đầu tư và doanh nhân nước ngoài mới được phép nhập cảnh.
Các biện pháp chống dịch đã bảo vệ an toàn cho người dân nhưng cũng làm ngưng trệ toàn bộ mảng du lịch quốc tế, vốn đang tăng trưởng mạnh trước đại dịch. Việt Nam đang xem xét mở cửa trở lại và Chính phủ hy vọng Phú Quốc có thể giúp đất nước vươn lên thành một gã khổng lồ trong ngành du lịch khu vực và toàn cầu.
Tháng 5/2020, các nhà chức trách đã đề cập việc mở cửa một số hòn đảo, trong đó có Phú Quốc, cho du khách quốc tế. Cách đây 1 tháng, một hội nghị du lịch tại Phú Quốc cũng đưa ra ý tưởng sử dụng hòn đảo này để thí điểm việc cho phép những người có "hộ chiếu vắc-xin" nhập cảnh.
Theo Cổng thông tin của Chính phủ, Phó Chủ tịch thành phố đảo Phú Quốc, Phạm Văn Nghiệp cho biết, đảo sẵn sàng chào đón khách du lịch quốc tế. Trong số hàng trăm dự án phát triển dành cho Phú Quốc, nổi bật là Phú Quốc United Center, nơi được mệnh danh là siêu khu phức hợp không ngủ đầu tiên tại Việt Nam và chính thức khai trương vào 21/4 vừa qua.
Dự án đầu tư Phú Quốc United Center nhằm mục tiêu đưa hòn đảo này trở thành một ‘điểm đến quốc tế mới ở châu Á", theo thông cáo báo chí nhân dịp ra mắt tổ hợp du lịch này. Khu phức hợp Phú Quốc United Centre đã mở ra cánh cổng vào một “vũ trụ du lịch, vui chơi, giải trí” với những điều chưa từng có ở Việt Nam như Bảo tàng Gấu Teddy, kênh đào mô phỏng theo Venice, các tác phẩm nghệ thuật châu Âu, những lễ hội với trang phục lạ mắt để du khách thỏa thê check-in, cùng một khu nghỉ dưỡng hoạt động 24/7, các dịch vụ giải trí, ăn uống và các tiện ích cao cấp khác.
Khu phức hợp Phú Quốc United Centre đã mở ra cánh cổng vào một “vũ trụ du lịch, vui chơi, giải trí” với những điều chưa từng có ở Việt Nam.
Với quy mô hơn 1.000 ha, đây là dự án mới nhất ở khu vực phía bắc đảo Phú Quốc, cùng với một công viên giải trí, một vườn thú bảo tồn động vật bán hoang dã và các cơ sở khác đã có sẵn từ trước tạo thành một hệ sinh thái du lịch hoàn chỉnh.
Theo chuyên trang giải trí Blooloop, Phú Quốc United Center là "siêu quần thể đa dạng với các loại hình vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng có diện tích lớn nhất Việt Nam".
Tại đây, 2 hạng mục công trình và 2 chương trình nghệ thuật cũng là những hạng mục đáng chú ý. Bamboo Legend là công trình tre lớn nhất Việt Nam do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế, được xây dựng từ hơn 32.000 cây tre với những đường vòm cong mô phỏng mái đình truyền thống. Teddy Bear Museum là khu trưng bày Gấu Teddy đầu tiên tại Việt Nam. Với quy mô hơn 1.500 m2, đây cũng nhà gấu thuộc Top 5 Teddy Bear Museum lớn nhất thế giới. Ngoài ra, công nghệ trình diễn 3D thực cảnh "Tinh hoa Việt Nam" và “Sắc màu Venice” cũng là điểm nhấn ấn tượng với du khách khi tái hiện nhiều sắc màu văn hoá và công nghệ trình diễn tối tân.
Phú Quốc hiện nay áp đảo về lượng khách so với Phuket của Thái Lan và Bali của Indonesia.
Tờ SMPC dẫn thông tin, Phú Quốc có diện tích khoảng 567 km2 - bằng khoảng 3/4 diện tích của Singapore - là nơi có những bãi biển, rạn san hô và thác nước đẹp như tranh vẽ. Theo nghĩa đen, cái tên “Phú Quốc” có nghĩa là "đất nước màu mỡ" và hầu như bất cứ nơi nào trên đảo cũng đều có cây xanh. Thậm chí Vườn Quốc gia Phú Quốc còn bao phủ hơn một nửa khu vực phía bắc đảo.
Nếu tính về lượng khách đổ về Phú Quốc hiện nay, thiên đường du lịch này đã áp đảo về lượng khách, so với Phuket của Thái Lan và Bali của Indonesia. Năm ngoái, hòn đảo này đã đón hơn 3,5 triệu lượt khách và đạt doanh thu khoảng 5,6 nghìn tỷ đồng (243 triệu USD), theo số liệu chính thức. Năm 2019 ghi nhận hơn 5,1 triệu lượt khách, tăng 27% so với năm trước. Hầu hết du khách là công dân Việt Nam, theo thống kê chính thức. Năm nay, hòn đảo này đang đặt mục tiêu thu hút 2 triệu người với các gói giảm giá, khuyến mãi. Lượng du khách đến Phú Quốc lớn hơn gấp nhiều lần dân số địa phương.
Tổng cục Du lịch Việt Nam thống kê, tính đến tháng 6/2020, có 321 dự án phát triển trong lĩnh vực du lịch, giải trí và các dịch vụ khác tại Phú Quốc, với tổng vốn đăng ký 340 nghìn tỷ đồng. Trang web của Tổng cục Du lịch đăng tải thông tin kỳ vọng Phú Quốc sẽ trở thành "trung tâm du lịch và nghỉ dưỡng chất lượng cao của cả nước, khu vực và thế giới".
Tuy nhiên, Phú Quốc vẫn tồn tại nhiều điểm bất cập như việc số lượng du khách đang quá đông khiến môi trường sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, SCMP dẫn thông tin, kể từ năm 2018, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã thúc đẩy phong trào giảm thiểu chất thải nhựa ở cấp chính thức, tư nhân và công cộng. Năm 2019, Phú Quốc trở thành thành phố đầu tiên ở Việt Nam tham gia sáng kiến Thành phố thông minh về nhựa nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2030 của tổ chức.
Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới cũng đang làm việc cùng nhau để hoàn thiện một quy hoạch tổng thể có tên là Dự án Quản lý Nước bền vững Phú Quốc, nếu được thông qua, dự kiến trị giá khoảng 174 triệu USD, lấy vốn từ ngân hàng và các nguồn ngoài ngân hàng.
SCMP kết luân, đó là sự chuyển đổi mới đang được tiến hành, và góp phần biến “Phú Quốc trở thành niềm hi vọng lớn thúc đẩy du lịch Việt Nam”.
Tổng hợp từ SCMP, Blooloop