“Báo chí với Di sản văn hóa”

(TGDS). Sáng 15/6, tại Hà Nội, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học - Thực tiễn “Báo chí với Di sản văn hóa” với sự tham gia của các nhà quản lý văn hóa, nhà khoa học, nhà báo và các Ủy viên BCH Hội DSVH Việt Nam tại Hà Nội.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo

Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam - PGS.TS Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh: Với 815 cơ quan báo chí in và điện tử, 138 báo, 677 Tạp chí, 72 cơ quan phát thanh truyền hình từ Trung ương đến địa phương, đã và đang trở thành phương tiện truyền thông chủ lực đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực di sản văn hóa; quảng bá tinh hoa văn hóa dân tộc với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế; phát hiện, phản ánh về hiện tượng xâm hại di sản văn hóa xảy ra tại một số địa phương... Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm được, hoạt động báo chí và công tác truyền thông về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại hội thảo, các tham luận và ý kiến phát biểu của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học và nhà báo đánh giá cao vai trò của các cơ quan báo chí trong nước trong tuyên truyền, cổ vũ việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, đồng thời nhấn mạnh báo chí Việt Nam cần quan tâm hơn nữa việc giới thiệu, quảng bá di sản văn hoá dân tộc phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế du lịch. Các đại biểu cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị tăng cường sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu về văn hóa, các hội chuyên ngành với các cơ quan báo chí và giải pháp tăng cường hơn nữa chất lượng, hiệu quả của báo chí trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa...

                                                                                                P.V

 

Top