Báo cáo Kết quả hoạt động của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam từ tháng 8-2017 đến tháng 8-2018 và Phương hướng, nhiệm vụ năm 2019

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-HDSVHVN ngày 31 tháng 8 năm 2017 của Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ IV (2014-2019), căn cứ tình hình thực tế; Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam báo cáo tình hình và kết quả hoạt động của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam từ tháng 8-2017 đến tháng 8-2018 và Phương hướng, nhiệm vụ từ tháng 8-2018 đến tháng 12- 2019:

I. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG TỪ THÁNG 8-2017 ĐẾN THÁNG 8-2018

1. Công tác tổ chức xây dựng Hội

1.1. Ngày 1 tháng 12 năm 2017, tiếp nhận Công ty Cổ phần Tu bổ Di tích Huế là thành viên và doanh nghiệp thuộc Hội.

1.2. Thành lập mới 4 tổ chức Hội: Chi hội tỉnh Vĩnh Long, Chi hội tỉnh Hậu Giang, Chi hội Linh Kỳ Mộc (Thanh Hóa), Liên chi hội Võ cổ truyền Nghệ An.

1.3. Kết nạp và cấp thẻ cho 150 hội viên mới, nâng tổng số hội viên toàn Hội lên gần 6.000 người, sinh hoạt trong 114 tổ chức Hội,  gồm 10 hội cấp tỉnh, 3 liên chi hội, 5 câu lạc bộ, 96 chi hội (chưa kể các chi hội thuộc các hội cấp tỉnh, thành phố), 2 hội viên tập thể; 20 đơn vị trực thuộc Hội gồm: Văn phòng Hội, Văn phòng Đại diện Hội khu vực phía Nam, Tạp chí Thế giới Di sản in (bao gồm: Tạp chí Thế giới Di sản, Tạp chí Vietnam Heritage, Tạp chí song ngữ Di sản Việt Nam - Vietnam Heritage); Tạp chí điện tử Thế giới Di sản tại địa chỉ thegioidisan.vn; 10 công ty, 6 trung tâm và Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam.

1.4. Căn cứ quy định của pháp luật về công tác Thi đua - Khen thưởng, được sự nhất trí của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tại Văn bản số 610/BTĐKT-VI ngày 6 tháng 4 năm 2018; Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã ký Quyết định số 15/QĐ-HDSVHVN ngày 10 tháng 4 năm 2018 về việc ban hành Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp di sản văn hóa Việt Nam”, để tặng cho các cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc và đóng góp, xây dựng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

1.5. Ban hành các quyết định công nhận kết quả Đại hội và Ban Chấp hành của Hội Di sản Văn hóa tỉnh Quảng Bình, Hội Di sản Văn hóa tỉnh Phú Thọ, Hội Di sản Văn hóa tỉnh Bến Tre.

1.6. Kiện toàn lãnh đạo một số đơn vị thuộc Hội: Bổ nhiệm Nhà báo Trần Đăng Khoa, nguyên Tổng Biên tập Báo Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) giữ chức Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới Di sản (in và điện tử); kiện toàn nhân sự Ban Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Tôn giáo.

 

2. Công tác nghiên cứu, phản biện xã hội, hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa

- Ngày 15 tháng 11 năm 2017, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Giàng tổ chức Hội thảo khoa học “Giá trị cụm Di tích lưu niệm Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương”, góp phần làm rõ thêm thân thế, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh trong nền y học cổ truyền Việt Nam và làm cơ sở cho việc xây dựng Hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cụm di tích này.

- Góp ý một số văn bản về lĩnh vực văn hóa theo yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan có liên quan. Ngày 11 tháng 7 năm 2018, Hội có Văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch góp ý Dự thảo Nghị định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

- Ngày 8 tháng 10 năm 2017, cùng với Công ty Cổ phần Truyền thông CMA, phối hợp với một số cơ quan tổ chức thành công Chương trình “Lễ dâng hương báo công Đức Thánh Trần”,  nhân dịp kỷ niệm 717 năm ngày hóa của Ngài, tại đền Trần và đền Bảo Lộc, Nam Định.

- Từ ngày 21-11 đến ngày 23-11-2017, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Hội và Tạp chí Vietnam Heritage tổ chức Triển lãm ảnh di sản Việt Nam nhân kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, trong khuôn khổ “Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh - Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên lần thứ II”. Kết thúc Triển lãm, 100 bức ảnh đẹp được trao tặng lại cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy Bắc Ninh nghiên cứu, xác minh và cung cấp những tư liệu liên quan đến những lần Bác Hồ về thăm Bắc Ninh để có cơ sở xây dựng công trình ghi dấu ấn ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và làm việc với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thành phố Bắc Ninh.

3. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá về di sản văn hóa    

- Tạp chí Thế giới Di sản - Cơ quan ngôn luận của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đảm bảo phát hành đều đặn mỗi tháng một kỳ, tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích; tính chuyên nghiệp của Tạp chí ngày càng nâng cao, tính phản biện những vấn đề thời sự về di sản văn hóa được tăng cường; tích cực đổi mới cả về nội dung và hình thức; số lượng bạn đọc ngày càng tăng; tiếp tục tranh thủ sự cộng tác giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong cả nước, thông qua việc liên kết thực hiện các chuyên đề, chuyên mục; xây dựng, củng cố và mở rộng mạng lưới cộng tác viên. Bên cạnh công tác chuyên môn, Tạp chí còn tổ chức các hoạt động kỷ niệm, tri ân như: tổ chức gặp mặt với các cộng tác viên của Tạp chí nhân kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925/21-6-2018); tặng quà tri ân các chiến sĩ từng bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò; gặp mặt và trao quà cho các thương binh, bệnh binh đặc biệt được chăm sóc và nuôi dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng, Hà Nam mỗi nơi 10 triệu đồng, nhân kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2018). Cùng với Tạp chí in, Tạp chí điện tử Thế giới Di sản hoạt động đều đặn, cập nhật thường xuyên tin, bài, tăng cường tính phản biện, trung bình mỗi ngày có khoảng 2.000 lượt truy cập vào địa chỉ thegioidisan.vn.

- Tạp chí Vietnam Heritage có nhiều cố gắng góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế; chủ trì phối hợp với Hội Di sản Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh cùng với sự tài trợ của Canon Việt Nam, Vietjet Air, tổ chức thành công “Cuộc thi ảnh Di sản văn hóa - Vietnam Heritage Photo Awards lần thứ VI, năm 2017”. Cuộc thi đã nhận được 3.479 tác phẩm ảnh tham dự; trao giải cho 16 tác phẩm đạt giải, tổ chức 7 cuộc triển lãm ở 3 tỉnh, thành phố từ ngày 26 tháng 10 năm 2017 đến tháng 3 năm 2018. Ngày 1-8-2018, tiếp tục khởi  động “Cuộc thi ảnh Di sản Văn hóa - Vietnam Heritage Photo Awards lần thứ VII, năm 2018”.

4. Một số hoạt động chính của các tổ chức, đơn vị thuộc Hội

- Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội tăng cường củng cố một bước về tổ chức cơ sở Hội và phát triển hội viên; tổ chức và phối hợp tổ chức thành công một số hoạt động: “Liên hoan Văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu - Hà Nội 2017”, Hội thảo khoa học “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn Hà Nội - Nhận diện, bảo tồn và phát triển”; Lễ dâng hương, khai xuân tại Hoàng Thành Thăng Long, “Đại lễ Kiều thỉnh Tứ phủ Thánh Bà Khâm sai và chư vị Tiên Thánh trắc giáng dương đồng” tại Phủ chính Tiên Hương, Phủ Dầy (Nam Định), Liên hoan văn nghệ “Truyền thống và Di sản”, Triển lãm Đá nghệ thuật, bonsai…; triển khai đề tài khoa học cấp thành phố “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn Hà Nội hiện nay”; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề và tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về các di tích cũng như lịch sử, văn hóa nước nhà cho các hội viên; tổ chức tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, tham dự các lễ hội truyền thống…

- Hội Di sản Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh củng cố và phát triển các tổ chức cơ sở thuộc Hội, thành lập Chi hội DSVH Trà - Thư pháp Việt - một chi hội có đặc thù khá mới so với các chi hội trước đây; phối hợp biên soạn 500 lý lịch danh nhân, nhân vật lịch sử, địa danh để bổ sung vào “Quỹ Tên đường” tại thành phố Hồ Chí Minh; phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát triển du lịch di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh” tổ chức định kỳ các hoạt động biểu diễn, quảng bá giá trị di sản văn hóa phi vật thể; tổ chức hoạt động nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Bảo tàng, ngày Di sản Văn hóa Việt Nam; phối hợp tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Liên hoan các dòng họ thành phố Hồ Chí Minh. Các chi hội thuộc Hội có nhiều hoạt động phong phú như: triển lãm, trưng bày, tổ chức hội thảo, giao lưu, kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước, tư vấn chuyên môn, nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm tài liệu, hiện vật, tập huấn ngắn hạn về nghiệp vụ bảo quản hiện vật, di vật, cổ vật tại các di tích, tổ chức nhiều hoạt động để bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể…  

- Hội Di sản Văn hóa tỉnh Phú Thọ phối hợp khảo sát thực tế, sưu tầm tư liệu, ghi hình, chụp ảnh xây dựng Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu lễ hội đền Lăng Sương (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018; khảo sát, sưu tầm tư liệu Lễ cấp sắc người Dao Quần Chẹt trên địa bàn tỉnh phục vụ việc xây dựng Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tham gia tư vấn, phản biện khoa học một số đề án, dự án phục vụ phát triển văn hóa và du lịch; tích cực triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản “Hát Xoan Phú Thọ”, chào mừng Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; phối hợp hướng dẫn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ” lần thứ III - năm 2018; tuyên truyền, quảng bá Hát Xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương tại các địa phương trong tỉnh; phối hợp tổ chức các lớp truyền dạy và phổ biến, trình diễn Hát Xoan trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và trên địa bàn tỉnh, phục vụ khách tham quan du lịch tại các làng Xoan cổ và di tích liên quan đến Hát Xoan; tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2018; phối hợp tổ chức Lễ hội văn hóa dân gian đường phố Việt Trì…

- Hội Di sản Văn hóa tỉnh Bến Tre duy trì sinh hoạt giao lưu Đờn ca tài tử vào tối ngày 30 hàng tháng với sự tham dự của khoảng 200 hội viên và người hâm mộ. Câu lạc bộ Hát sắc bùa thuộc Hội phục vụ trên 1.000 lượt khách tại Khu Du lịch Văn Thánh trong Lễ hội “Ngày hội quê tôi” tại thành phố Hồ Chí Minh, biểu diễn phục vụ đoàn cán bộ nghiên cứu nghệ thuật hát Sắc bùa tại đình Phú Lễ; tư vấn cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ theo nghi thức cổ truyền; tham mưu cho Tỉnh ủy nội dung tổ chức các ngày lễ trọng của địa phương. Các chi hội thuộc Hội: Bảo tàng tỉnh Bến Tre, Khu Di tích Thảm sát Cầu Hòa, Khu Di tích Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng… có nhiều hoạt động phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa trên địa bàn như: Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Triển lãm “Trang sức và tiền Việt Nam qua các thời kỳ”; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề: “Đặc công Bến Tre - những điều chưa biết”, “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 68”, “Bến Tre-Những di sản văn hóa”; tổ chức báo cáo khai quật kiến trúc gạch cổ An Phong…

- Hội Di sản Văn hóa và Cổ vật Thanh Hoa (tỉnh Thanh Hóa) củng cố, phát triển tổ chức, nhân sự của các chi hội, câu lạc bộ và trung tâm thuộc Hội, phát triển hội viên mới; phối hợp Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long tổ chức “Hội Tổ tôm Điếm” lần thứ II; tham gia nhiều lễ hội truyền thống tại địa phương như: Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội Lam Kinh, Lễ hội Bánh chưng, bánh dầy Sầm Sơn…; phối hợp tổ chức kỷ niệm ngày giỗ Hoàng đế Hồ Quý Ly lần thứ 595 tại Đàn tế Nam Giao thành Nhà Hồ; tổ chức Liên hoan Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ I; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo tồn và phát huy giá trị các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, các trò diễn xướng, lễ hội truyền thống; tham gia các cuộc trưng bày cổ vật do Hội Cổ vật các tỉnh tổ chức…

- Hội Di sản Văn hóa tỉnh Quảng Bình tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ II (2017-2022), xây dựng Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Hội, Quy chế của Ban Kiểm tra và phân công trách nhiệm từng ủy viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2017-2022, phát triển hội viên mới; chuẩn bị nội dung phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tổ chức Hội thảo khoa học “Từ tài nguyên văn hóa đến sản phẩm du lịch”; thường xuyên theo dõi và định hướng các hoạt động chuyên môn phù hợp với tính chất đặc trưng văn hóa địa phương cũng như tính chất hoạt động của các hội, chi hội cơ sở. Các hội, chi hội cơ sở thuộc Hội có những hoạt động tiêu biểu như: sưu tầm hiện vật, phối hợp tổ chức hội thảo, lễ hội truyền thống, liên hoan Ca Trù, tổ chức sân chơi hát Bài Chòi, giao lưu dạ hội, ngâm thơ, đọc thơ nhân các sự kiện đặc biệt, biên soạn sách về di sản văn hóa địa phương. Hội viên thuộc các hội, chi hội cơ sở tích cực tham gia thẩm định nhiều đề tài khoa học xã hội cấp tỉnh, tham gia viết bài trên các báo, tạp chí để giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế và chiến lược phát triển du lịch của tỉnh…Sau 12 năm hoạt động, đến nay Hội đã có Trụ sở mới đàng hoàng hơn.

- Hội Cổ vật Hải Phòng tiếp tục duy trì các hoạt động; tổ chức cho các hội viên tham gia giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong giới cổ vật, tặng 3 hiện vật có giá trị lịch sử-văn hóa cho Bảo tàng tỉnh Ninh Bình. 

- Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (CCH) hoàn thành giai đoạn 2 dự án sách giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội với sự hợp tác của ICHCAP (Hàn Quốc), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; tư vấn thực hiện nhiều dự án về di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội; phối hợp với  Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội triển khai nghiên cứu xây dựng Đề cương đổi mới trưng bày tại Di tích Nhà và Hầm D67; tiếp tục nghiên cứu, tư vấn xây dựng bộ tài liệu giáo dục về Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho học sinh Trung học cơ sở, tổ chức Tọa đàm đánh giá kết quả thực hiện, được các đồng nghiệp đến từ các bảo tàng, di tích đánh giá cao; soạn thảo ấn phẩm nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám; tư vấn xây dựng một bảo tàng ngoài công lập…

- Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam tổ chức và phối hợp tổ chức một số sự kiện: Triển lãm ảnh Nguyễn Á và ra mắt sách Hầu đồng Việt Nam, Hội thảo “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn Hà Nội - Nhận diện để bảo tồn và phát triển”, Liên hoan Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tại các di tích thờ Mẫu ở một số tỉnh, thành phía Bắc; có văn bản kiến nghị Ban Tôn giáo Chính phủ giải quyết những phát ngôn không đúng về Tín ngưỡng thờ Mẫu; tổ chức Tọa đàm giới thiệu Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tới bạn bè Nga và cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga; tổ chức hầu Thánh tại Điện thờ Thánh Mẫu Thuận Mỹ Từ Vọng thuộc Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Matxcơva; giới thiệu Tín ngưỡng thờ Mẫu và trang phục Hầu đồng trong ngày Văn hóa Việt Nam tổ chức tại Myanmar; có một số hoạt động nhằm góp phần bảo vệ, tôn vinh giá trị đích thực của di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, bài trừ các hành vi biến tướng, lệch lạc trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ…  

- Trung tâm Bảo tồn Văn hóa Tôn giáo có nhiều hoạt động phong phú và hiệu quả hơn những năm trước; củng cố về tổ chức và nhân sự của Trung tâm; tổ chức Tọa đàm khoa học “Đại thi hào Nguyễn Du với Phật giáo và Đời sống xã hội”, các bài tham luận tại Tọa đàm đã được in thành sách với số lượng 1.000 bản; tổ chức giao lưu với các trụ trì, bước đầu đã thu thập được một số thông tin cơ bản nhằm thực hiện đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu chùa Việt”; nâng cấp website của Trung tâm, cung cấp thông tin về các chùa nhằm quảng bá rộng rãi đến công chúng; tổ chức khóa tu mùa hè cho các học sinh tại chùa Cổ Lễ (Nam Định)…

- Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Diều Việt Nam tổ chức nhiều chuyến đi dã ngoại đến các vùng, miền, kết nối các câu lạc bộ Diều thành một mạng lưới, thường xuyên gặp mặt, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng làm diều, chơi diều; giới thiệu, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa Diều trong đời sống, thu thập và tạo nên những bộ sưu tập diều đặc trưng của từng vùng miền; kết hợp tổ chức lễ hội Diều Gamuda 2018; tư vấn chuyên môn và định hướng phát triển cho Hiệp hội Diều Hà Nội; kết hợp với Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức chuỗi sự kiện văn hóa trong dịp hè cho thiếu nhi với tên gọi “Sĩ tử nhí - chắp cánh ước mơ”; phối hợp thường niên với đền Mẫu Sáo Đền tổ chức Hội thi Sáo Diều...

- Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam phối hợp với Cục Di sản văn hóa, Văn phòng UNESCO Paris tại Hà Nội triển khai các hoạt động: thực hiện Dự án “Nghiên cứu khảo sát khung pháp lý về Di sản Thế giới tại Việt Nam”; tổ chức thảo luận chuyên đề về văn hóa, khảo sát nắm bắt tình hình thực tiễn để triển khai nghiên cứu giải pháp tránh sự chồng chéo trong các văn bản pháp luật liên quan đến tu bổ di tích; tham gia Diễn đàn với báo chí về các vấn đề di sản văn hóa; duy trì hoạt động website quydisan.org, phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hóa; hỗ trợ công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích…

- Công tác Văn phòng và đối ngoại: đảm bảo hoạt động tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đảm bảo chế độ thông tin giữa Trung ương Hội và tổ chức cơ sở Hội; củng cố và phát triển mối quan hệ giữa Hội với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thực hiện nghiêm túc chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định của nhà nước. Chủ động phối hợp với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam về mọi mặt để chuẩn bị Hội nghị Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa lần thứ V (nhiệm kỳ 2014-2019). Đề xuất Lãnh đạo Hội, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen cho một số tổ chức, đơn vị thuộc Hội.

Chi bộ Văn phòng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đảm bảo sinh hoạt đều đặn, chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà Nước. Trụ sở Hội đã được nâng cấp một bước đáng kể cả về chống xuống cấp, cải tạo phòng làm việc và trang trí, trang thiết bị nhờ sự kêu gọi tài trợ của Nhà báo Trần Đăng Khoa, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới Di sản in và điện tử, với trị giá 397 triệu đồng.

- Công ty TNHH MTV Bảo tồn Di sản Văn hóa hoạt động ngày càng có thương hiệu, được Bộ Công an lựa chọn là đơn vị tổ chức từ bước sáng tác mẫu phác thảo đến thi công phần mỹ thuật Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và bức phù điêu của công trình lịch sử-văn hóa tiêu biểu này, công trình đã được khánh thành ngày 11-3-2018 tại Bắc Giang, cùng với tác giả Tượng, Công ty được trao giải A tại Lễ trao giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Nhân dịp này, Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam ghi nhận sự đóng góp của ông Nguyễn Văn Mạc, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty đã tài trợ và xây dựng tặng Hội công trình Trụ sở Hội từ năm 2007, với trị giá 250 triệu đồng.

- Công ty Cổ phần Bảo tồn Di sản Văn hóa Kiến trúc Việt thực hiện và hoàn thành tốt nhiều dự án, thiết kế quan trọng, điển hình là các công trình tu bổ, tôn tạo: Di tích Khu căn cứ khởi nghĩa Ba Đình (Thanh Hóa), Nhà Thương điện (thuộc Di tích lịch sử đền thờ ông Hoàng Mười, Nghệ An), Khu Di tích lịch sử tâm linh đền Cửa Lũy (Nghệ An)...; hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng các công trình: chùa Trung Trữ (Ninh Bình), nhà Hạ Điện và Trung Điện thuộc Di tích Lịch sử đền thờ ông Hoàng Mười (Nghệ An), chùa Hai Bà Trưng - Viên Minh Tự (Hà Nội); Di tích lịch Lò Cao Kháng chiến Hải Vân (Thanh Hóa), Di tích Gia Miêu (Thanh Hóa), Đền Hạ thuộc Di tích thắng cảnh Suối Mỡ (Bắc Giang)...

- Công ty TNHH MTV Tôn tạo phục chế công trình văn hóa Việt đã và đang thực hiện một số công việc tư vấn, thi công tu bổ, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa, kiến trúc-nghệ thuật trên một số địa bàn như: Khu Di tích đền Cửa ông, di dời và xây dựng tượng đài Trần Quốc Tảng, dự án chùa Quang Đại (Quảng Ninh), công trình Đình Chu, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), đền thờ Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), công trình Văn Miếu tỉnh, Khu Di tích Lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh); tu bổ tôn tạo lăng Dục Đức thuộc Khu Di tích Cố đô Huế; tu bổ tôn tạo Khu Di tích lịch sử - văn hóa Phù Đồng (Hà Nội) và một số công trình ở các tỉnh khác…Doanh thu trong năm 2017 của Công ty đạt 34 tỉ đồng.

- Công ty Cổ phần Xây dựng công trình Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thi công một số công trình tu bổ di tích văn hóa như: xây dựng Bia Di tích lịch sử trận địa Đại đội 5 Trung đoàn Pháo cao xạ 256 (Thái Nguyên); chống xuống cấp Di tích địa điểm thành lập Đội cứu quốc quân II (Thái Nguyên); tu sửa cấp thiết Di tích cây đa Tân Trào (Tuyên Quang)…

- Công ty Cổ phần Truyền thông CMA chủ trì tổ chức thành công Chương trình “Vang vọng Hào khí Đông A - Lễ dâng hương báo công Đức Thánh Trần” năm 2017, với quy mô lớn tại Nam Định, thu hút đông đảo các doanh nhân tham gia, được địa phương và các thành viên tham gia ghi nhận và đánh giá cao; phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tổ chức các chương trình: “Hành trình Phật tử, doanh nhân về non thiêng Yên Tử” lần thứ V, với sự tham gia của 600 đại biểu; “Hành trình tâm linh chiêm bái Tứ Thánh tích Phật giáo từ Yên Tử (đất Phật Việt Nam) đến Nepal - Ấn Độ (đất Phật thế giới)” cho 45 đại biểu chính thức. CMA là công ty đầu tiên của Việt Nam tổ chức sự kiện tại Bồ Đề Đạo Tràng và được phép trồng cây đàn hương và mai vàng Yên Tử tại vườn thiêng của Bồ Đề Đạo Tràng.

- Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ và nắm bắt tình hình, cho thấy một số liên chi hội, chi hội, câu lạc bộ đã có những hoạt động tích cực trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, duy trì sinh hoạt đều đặn, có hiệu quả trong việc đoàn kết, tập hợp hội viên, trao đổi kinh nghiệm thiết thực trong hoạt động: Liên Chi hội Hội Chân Tâm, Chi hội Sông Cánh, Hương Canh; Chi hội BQL DTDT Đồng Nai, Chi hội Bảo tàng tỉnh Yên Bái, Chi hội Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi hội Linh Kỳ Mộc (Thanh Hóa), Chi hội tỉnh Lào Cai, Chi hội Cổ vật Sông Lam (Nghệ An), Chi hội tỉnh Ninh Bình, Chi hội Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long, Chi hội tỉnh Hà Giang, Chi hội Bảo tàng tỉnh Đắk Nông, Chi hội tỉnh Tiền Giang, Chi hội tỉnh Hậu Giang, Chi hội tỉnh Long An, Chi hội Thiên Ấn (Huế), Chi hội Bảo tàng Đắk Nông…

Hoạt động của các liên chi hội, chi hội, câu lạc bộ… rất đa dạng, phong phú, không thể liệt kê trong khuôn khổ Báo cáo này. Đề nghị các đại biểu có mặt trực tiếp tại Hội nghị này báo cáo khái quát một số hoạt động của tổ chức, đơn vị của mình.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Tuy tiếp tục có nhiều khó khăn của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Hội vẫn đảm bảo phát triển toàn diện và vững chắc, có những hoạt động mới nổi bật hơn những năm trước như tổ chức những sự kiện về văn hóa tâm linh, đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học...

2. Hệ thống Cơ quan ngôn luận của Hội đã tích cực phát huy trong việc tuyên truyền, quảng bá, cập nhật thường xuyên cho bạn đọc, đặc biệt là tính phản biện trước các vấn đề có tính thời sự về di sản văn hóa ngày càng được quan tâm. 

3. Tiếp tục khẳng định vị thế của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, được các cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận và xã hội đánh giá cao; thông qua hoạt động các tổ chức Hội từ Trung ương đến địa phương và các thành viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

4. Tuy nhiên, trong thời gian qua, còn có một số việc thực hiện chưa được tốt như: chế độ báo cáo của nhiều cơ sở Hội với Trung ương Hội; hoạt động của các Ban chuyên môn chưa chủ động, chưa đồng đều; một số cơ sở Hội do thay đổi về nhân sự, chưa kịp thời củng cố tổ chức dẫn tới hoạt động chưa có hiệu quả hoặc không hoạt động, việc đóng hội phí còn nhiều khó khăn.

III. PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG TỪ THÁNG 8-2018 ĐẾN THÁNG 12- 2019

1. Xúc tiến chuẩn bị về mọi mặt: Văn kiện, nhân sự, tổ chức hậu cần, công tác tuyên truyền để tổ chức Đại hội đại biểu Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ IV (nhiệm kỳ 2019-2024) và kỷ niệm 15 năm thành lập Hội (2004-2019). Trong đó có việc chuẩn bị Báo cáo trình xin Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Hai, đảm bảo cho Đại hội thành công tốt đẹp, tạo ra giai đoạn mới tiếp tục ổn định và phát triển. Dự kiến Đại hội sẽ tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) trong 3 ngày 20, 21 và 22-12-2019 (thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật).

2. Tổ chức xét và trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp di sản văn hóa Việt Nam” cho các cá nhân, Bằng khen năm 2018 cho các tập thể có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa và đóng góp xây dựng Hội vào dịp kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11-2018).

3. Tổ chức phiên họp lần thứ VI Ban Chấp hành nhiệm kỳ III (2014-2019) vào tháng 8-2019 để bàn những vấn đề cụ thể của Đại hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 2019-2024).

4. Phát động phong trào thi đua “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc” trong toàn Hội, lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ IV (nhiệm kỳ 2019-2024) và kỷ niệm 15 năm thành lập Hội (2004-2019).

5. Tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; tuyên truyền, quảng bá các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đặc biệt là ngày Di sản Văn hóa Việt Nam của năm 2018 và năm 2019.

6. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Cơ quan ngôn luận của Hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Tăng cường tiếng nói của Hội đối với những vấn đề di sản văn hóa mà xã hội đang quan tâm.

7. Đẩy mạnh hoạt động của Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam bằng các chương trình, hoạt động cụ thể.

Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao tinh thần phấn đấu của các tổ chức và hội viên trong toàn Hội trong thời gian qua.

Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam chân thành cám ơn các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Trung ương và địa phương đã tạo điều kiện giúp đỡ và đồng hành cùng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cảm ơn và hoan nghênh Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cùng các tổ chức, cá nhân thuộc Hội, các cơ quan, cá nhân có liên quan tại Thái Nguyên có sự chuẩn bị sớm, chu đáo, chủ động phối hợp với Văn phòng Hội, tạo điều kiện, tận tình giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần, để Hội nghị Ban Chấp hành Hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ III (2014 -2019) được tổ chức tại Thái Nguyên.

Top