Báo cáo của Nguyễn Ái Quốc về hoạt động của báo Lơ Pa-ri-a

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, cùng nhớ lại một bản báo cáo của người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam về tình hình tài chính và sự đóng góp cho báo “Người cùng khổ”, ra đời 94 năm trước.

Bản báo cáo do Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp, gửi đến Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thuộc đia tháng 1-1923, sau 9 tháng báo ra số đầu tiên, tháng 4-1922. Toàn văn Báo cáo như sau:

Ảnh: Internet

Báo cáo việc quản lý báo Lơ Pa-ri-a.

Dự án ban đầu là trước hết thành lập một Hội hợp tác xuất bản báo. Dự án này không thực hiện được do ít đồng chí hưởng ứng mặc dù đã có những lời kêu gọi liên tục làm chúng ta phải chi tiêu 120 phrăng

 Một nhóm nhỏ tám đồng chí cam kết ra báo Lơ Pa-ri-a bằng bất cứ giá nào. Đã có những lời hứa đóng góp như sau:

Blông-cua góp 100 phrăng mỗi tháng, Mon-néc-vin: 50 phrăng, Hát-gia-li: 50 phrăng, Stê-pha-ni: 25 phrăng, Nguyễn Ái Quốc: 25 phrăng, Hô-nô-ri-an: 10 phrăng, Ra-lơ-mông-gô: 10 phrăng, Phuốc-ni-rê: 10 phrăng. Tổng cộng 280 phrăng.

Báo Lơ-pa-ri-a bắt đầu ra mắt từ ngày 1-4-1922 đến ngày 31-12-1922, ngân sách của báo gồm các khoản như sau: Về thu:

A- Đóng góp của các đồng chí: Ra-lơ-mông-gô 50 phrăng, Nguyễn Ái Quốc 175 phrăng, Mông-néc-vin 100 phrăng,Blông-cua: 0, Hô-nô-ri-an 10 phrăng, Hát-gia-li 200 phrăng, Stê-pha-ni 50 phrăng, Phuốc-ni-rê: 0. Tổng cộng 585 phrăng

B- Quyên góp đạt được từ 1-4 đến 31-12-1922: 595 phrăng

C- Số mua dài hạn: 141 số 3 phrăng, tổng cộng là 423 phrăng

D- Số bán lẻ (từ số 1 đến số 9): 170 phrăng.

Tổng số thu là 1.771 phrăng 40.

Về chi: Chi cho việc đặt cơ sở ban đầu (gồm cả tiền chi 120 phrăng đã nêu ở trên):170 phrăng.

Đồ dùng nội thất: 34 phrăng 80; Cước bưu diện:156 phrăng 80; Chi cho xuất bản: 2483 phrăng 80.

Tổng số chi là 2.845 phrăng 40. (Chi cho xuất bản số 1: 310 phrăng 75, số 2: 384,75, số 3: 355,30, số 4: 310, số 5: 325, số 6 và số 7: 314, số 8: 260, số 9: 260. Tổng cộng: 2483 phrăng 80).

Thêm vào các chi phí nói trên còn phải trả tiền thuê nhà 3 kỳ tổng cộng 900 phrăng do các đồng chí quyên góp để trả, đặc biệt trong số đó có khoản 450 phrăng do đồng chí Blông-cua nhận từ nước Đa-hô-mây gửi đến. Như vậy tổng số chi (900+ 2.845,40 là 3.745 phrăng 40) và số bội chi (2483,80 -1771,40) là 1.074 phrăng.

Cần lưu ý rằng, suốt 9 tháng qua, trong số 8 đồng chí nhận đóng góp thì 1 đồng chí không đóng góp gì cả, 1 đồng chí vẫn chưa đóng góp, 1 đồng chí đóng góp 1 tháng, 2 đồng chí đóng góp 2 tháng, 2 đồng chí đóng góp 4 tháng, 1 đồng chí đóng góp 5 tháng, 1 đồng chí duy nhất đóng góp đủ các tháng.

Như vậy, trong số những lời hứa đóng góp 64 tháng, chỉ có 22 tháng đã được đóng góp. Còn lại 42 tháng, hay nói chính xác hơn là 27 tháng. Các đồng chí Phuốc-ni-rê và Hô-nô-ri-an đã bỏ đi, phần đóng góp còn lại phân bố cho các đồng chí như sau:

Blông-cua 8 tháng X 100 phrăng= 800 phrăng

Stê-pha-ni 6 tháng X 25 phrăng= 300 phrăng

Hát-gia-li 4 tháng X 50 = 200 phrăng

Ra-lơ-mông-gô 3 tháng X 10 = 30 phrăng

Cộng là 1480 phrăng. Như vậy, báo Lơ Pa-ri-a có: 1480 phrăng. Phần nợ là 1070 phrăng. Để có thể thanh toán số nợ cũ với nhà in và rất cần phải tìm một nhà in khác với những điều kiện thuận lợi hơn cho tờ báo thì các đồng chí cần thực hiện đúng những cam kết của mình.

Kể từ ngày 1 tháng Giêng năm 1923 đã quyết định ra báo 2 lần một tháng với 4 trang, trang 4 dành cho quảng cáo và do đó bảo đảm cho tờ báo có thể tự mình tồn tại được. Nhân đây các đồng chí đã quyết định nộp đủ tiền để chi cho tiền in báo số 10 ra ngày 15-1-1923 là 535 phrăng. Đồng chí Stê-pha-ni đã được đề nghị lo cho việc này.

Biết rằng việc đăng quảng cáo là một chủ trương rất mới và do đó chưa có nhiều, với các số 10, 11 và 12 chỉ đem lại một số tiền nhỏ, đồng chí Stê-pha-ni đảm bảo với chúng ta qua nhứng số báo tới ngân sách năm 1923 sẽ được cân đối. Vì vậy, Stê-pha-ni cam kết kể từ số 11 sẽ không kêu gọi sự hy sinh của các đồng chí nữa. Stê-pha-ni có niềm hy vọng chắc chắn trong tương lai gần việc đăng quảng cáo không chỉ có thể đài thọ các chi phí về in báo mà còn có thể trả công cho một đồng chí chuyên trách hoàn toàn các công việc gửi báo, kiểm tra, thường trực v.v..của tờ báo và trả cả tiền thuê nhà. Trong khi chờ đợi, tiền thuê nhà vẫn do các đồng chí đóng góp để trả.

Vậy các đồng chí hãy dũng cảm, có nghị lực và bắt tay vào việc!

Nguyễn Ái Quốc.

Bản báo cáo trên được tìm thấy tại Kho lưu trữ của Bộ Thuộc địa Pháp cũ ở số nhà 27, phố U-đi-nô, Pa-ri. Đây là một trong số nhiều tư liệu về thời gian Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Hội Liên hiệp thuộc địa và làm báo “Người cùng khổ” được sưu tầm và lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Nguyễn Ái Quốc là linh hồn của báo Lơ Pa-ri-a, là Chủ nhiệm, Chủ bút, kiêm Quản lý và phát hành báo. Báo cáo cho thấy hoạt động của báo Người cùng khổ khó khăn như thế nào. Tuy báo được hoạt động hợp pháp ở Pa-ri nhưng những người sáng lập báo thật sự là vô sản, họ phải tự góp tiền để ra báo. Trong số những người sáng lập đã hứa đóng góp cho báo nhưng vì nhiều lý do họ không đóng góp được, có người thì không làm đủ với những lời hứa. Riêng Nguyễn Ái Quốc dù phải lao động vất vả nhưng hàng tháng vẫn góp đều 25 phrăng và là người duy nhất thực hiện đúng lời hứa của mình. Với quyết tâm đó , báo “Người cùng khổ” đã ra được 38 số và gửi đi nhiều nước thuộc địa.

Bản báo cáo của Nguyễn Ái Quốc cho chúng ta nhiều bài học. Lời kêu gọi của Người khi kết thúc bản báo cáo:”Các đồng chí hãy dũng cảm, có nghị lực và bắt tay vào việc” vẫn mãi còn mang tính thời sự.

TS Nguyễn Thị Tình