Bàn thêm về công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở nước ta hiện nay

Hiện nay, đang ở thời điểm những ngày đầu của mùa lễ hội năm Đinh Dậu 2017. Cũng tương tự như nhiều năm trước, câu chuyện về quản lý và tổ chức lễ hội lại rộ lên, được sự quan tâm của báo chí, công luận, xã hội và cả Nhà nước. Tần suất các bài, tin về lễ hội xuất hiện dày đặc, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng; trong đó niềm vui có và điều không vui cũng không phải là ít.

Được biết, ngày 14-2-2017, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu, đã làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Trong nội dung làm việc có vấn đề quan trọng là công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017.

Theo số liệu thống kê, hiện nay, cả nước có khoảng 8.000 lễ hội, phần lớn trong số đó là loại hình lễ hội truyền thống dân gian. Ước tính mỗi ngày trên cả nước diễn ra khoảng 20 lễ hội.

Lễ hội truyền thống dân gian là một nét đẹp của dân tộc, là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa phong phú và đa dạng của dân tộc, là đời sống tinh thần, tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng, gắn liền với các sự tích, sự kiện, được hình thành trong lịch sử và được vun đắp, phát triển từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Nếu lễ hội được tổ chức và phát huy tốt, lành mạnh thì sẽ có tác dụng lớn trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng; nếu ngược lại, thì sẽ dẫn tới việc chệch hướng di sản văn hóa cũng như gây nhiều hệ lụy: mất thời gian, mất công sức, tốn kém tiền của, gây mất an ninh trật tự, bạo lực, phản cảm, trục lợi, tai nạn giao thông…

Xét về lịch sử, có thể tạm chia lễ hội làm 3 thời kỳ:

- Thời kỳ xa xưa (trước Cách mạng tháng Tám 1945): lễ hội mang tính lễ hội làng, tổ chức trong phạm vi làng, xã; gắn liền với sự tích, di tích nhất định, do một cộng đồng dân cư nhất định tổ chức, mang đậm ý nghĩa văn hóa, tinh thần, tâm linh, lành mạnh, nhân văn cả về phương diện tổ chức và tâm thế của người tham gia lễ hội, vừa mang tính thiêng, vừa mang tính vui chơi giải trí.

- Thời kỳ đất nước có chiến tranh và những năm trước đổi mới: do các nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, nhìn chung lễ hội ở trong tình hình “yên ắng”, “chìm lắng”, ít được nhà nước và xã hội quan tâm và trên chừng mực nào đó, có thể nói là có cả sự không khuyến khích.

- Thời kỳ sau đổi mới, nhất là thời gian 10 - 15 năm trở lại đây, lễ hội bước vào giai đoạn nở rộ, do sự cởi mở, sự quan tâm ngày càng tăng của Nhà nước và xã hội đối với di sản văn hóa dân tộc và đời sống kinh tế của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Điều đó được thể hiện:

- Số lượng lễ hội nhiều,

- Tần suất tổ chức lễ hội cao;

- Quy mô lễ hội có xu hướng mở rộng;

- Tính làng, xã của lễ hội xưa dần dần có sự thay đổi, hình thành lễ hội vùng, lễ hội khu vực;

- Đua nhau tổ chức lễ hội: làng làng, xã xã, huyện huyện, tỉnh tỉnh tổ chức lễ hội;

- Cách  tổ chức lễ hội cũng có nhiều nét khác xưa;

- Tâm thế của người tham gia lễ hội nói chung không còn được như trước;

- Những biểu hiện không hay, không đẹp, phản cảm… trong lễ hội xuất hiện dưới nhiều hình thức…

Tất cả những điều đó làm cho các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý và xã hội có phần bức xúc, dễ dàng nhận thấy. Phải nói một cách khách quan rằng, nhà nước và các cơ quan quản lý văn hóa trong những năm gần đây đã có rất nhiều cố gắng trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội và thực tế cũng đã có một số biện pháp tương đối quyết liệt để chấn chỉnh, uốn nắn việc tổ chức các lễ hội theo hướng đúng đắn và cũng đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như tục Chém lợn ở Ném Thượng, Bắc Ninh; tục Đập trâu ở Phú Thọ…

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2017 được tổ chức tại khu vực chùa Đọi, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Ảnh: Internet

Hầu như, trong những năm gần đây, năm nào, trước khi bước vào mùa lễ hội, cũng có các văn bản của Ban Bí thư; Thủ tướng Chính phủ; các văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; của cấp ủy Đảng, chính quyền các tỉnh, thành phố chỉ đạo và hướng dẫn về việc quản lý và tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó, nhiều cuộc hội nghị, hội thảo khoa học đã được tổ chức, nhằm tìm ra những giải pháp cho việc quản lý và tổ chức lễ hội. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng liên tục cử các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức lễ hội; cung cấp thông tin cho báo chí, đẩy mạnh công tác truyền thông và được biết, gần đây có cả biện pháp chấm điểm lễ hội…

Tuy có nhiều cố gắng nhưng xem ra công tác quản lý và tổ chức lễ hội vẫn còn rất nhiều bất cập, khó khăn. Mùa lễ hội 2017 mới bắt đầu, nhưng câu chuyện về công tác quản lý và tổ chức lễ hội vẫn tiếp tục tốn nhiều công sức, giấy mực. Điều đó cho thấy rằng, công tác quản lý và tổ chức lễ hội không chỉ là công việc có tính thời sự trước mắt, mà còn là vấn đề mang tính lâu dài.

Các hiện tượng phản cảm, bạo lực, lệch hướng, thiếu tính văn hóa, thiếu tính nhân văn… vẫn tiếp tục diễn ra ở một số lễ hội mà chúng ta đều biết qua các phương tiện thông tin đại chúng: tranh cướp phết, thắt cổ trâu, tung lộc, giẫm đạp chen lấn, bán thịt trâu không phải là trâu chọi, với giá cắt cổ, đốt vàng mã tràn lan với số lượng lớn, quá sa đà vào đi lễ hội, sử dụng xe công, thời gian làm việc vào lễ hội…

Tại ngày khai hội Lễ hội chùa Hương (Hà Nội) mùng 6 tháng Giêng Âm lịch, một nhà sư phát lộc chùa là những chiếc vòng chỉ đỏ có gắn ngọc in chìm tượng phật bên trong bằng cách ném xuống. Hàng trăm người đã nhao nhao vào giành giật. Ảnh: Tiến Tuấn.

Nguyên nhân của tình hình trên cần phải tìm trong mối quan hệ giữa 5 yếu tố: công tác quản lý, công tác tổ chức, công tác truyền thông, công tác tuyên truyền - giáo dục và ý thức của cộng đồng.

1. Công tác quản lý: có cảm nhận là chúng ta không theo kịp thực tiễn phát triển của tình hình. Từ chỗ tương đối “yên ắng”, “chìm lắng” trong những năm trước đổi mới, nay chuyển sang thời kỳ cởi mở, nở rộ, bùng nổ lễ hội, chúng ta trở tay không kịp, có phần lúng túng, chưa có được các giải pháp đồng bộ, cả trước mắt và lâu dài cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Có thể nói, các biện pháp của chúng ta, trên một chừng mực nhất định, vẫn mang tính tình thế.

2. Công tác tổ chức: còn thiếu sự quy hoạch, phân loại, phân cấp cụ thể, rõ ràng giữa nhà nước với cộng đồng; giữa Trung ương với địa phương và cơ sở; trách nhiệm giữa cấp ủy, chính quyền và ngành văn hóa…

3. Công tác truyền thông chưa đồng bộ, chưa kịp thời.

4. Công tác tuyên truyền - giáo dục cho người dân, nhất là lớp trẻ còn chưa hiệu quả.

5. Ý thức của cộng đồng tham gia lễ hội còn có nhiều hạn chế…

Vấn đề quản lý và tổ chức lễ hội ở nước ta hiện nay thực sự đang là vấn đề rất lớn, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ và thực thi quyết liệt.

Một là, cần tiến hành điều tra, khảo sát, thống kê một cách toàn diện, cụ thể, khoa học các lễ hội ở nước ta, để qua đó nắm được tương đối chính xác về số lượng, loại hình….

Hai là, cần tổ chức phân loại, đánh giá từng lễ hội để thấy được giá trị, ý nghĩa, tầm vóc của từng lễ hội, cái nào cần giữ, cái nào cần điều chỉnh, điều chỉnh khía cạnh nào, cái nào cần bỏ…

Ba là, tiến hành quy hoạch lễ hội ở từng địa phương tiến tới quy hoạch lễ hội của cả nước.

Bốn là, đối với một số lễ hội có tính nhạy cảm, cần phải tập trung chỉ đạo sớm, cụ thể, sát sao; phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, tăng cường trách niệm của cấp ủy, chính quyền, cơ quan văn hóa địa phương với việc năng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng địa phương có lễ hội.

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thưởng, phạt, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm

Sáu là, để công tác quản lý và tổ chức lễ hội có chuyển biến tốt, chỉ với thẩm quyền, trách nhiệm, lực lượng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của ngành văn hóa, thể thao và du lịch không thôi thì chưa đủ cần phải có sự phối hợp đồng bộ, có trách nhiệm cao giữa các ngành, các cấp; phân rõ trách nhiệm, thẩm quyền các cấp trong việc quản lý và tổ chức lễ hội.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ

Phó Chủ tịch Thường trực,

Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam

 kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới Di sản

 

Top