Bản thảo "Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước" của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Kho Cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ khoảng 17 vạn đầu tài liệu hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là tài sản vô giá của quốc gia, là di sản về tư tưởng, đạo đức và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó cũng là cơ sở vật chất quan trọng nhất để Bảo tàng Hồ Chí Minh hoạt động. Hệ thống Kho Cơ sở bao gồm 9 kho, bảo quản hiện vật thuộc 11 nhóm chất liệu. Những di vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại là đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng mà Người tiếp khách; bản thảo do Người viết, sách báo Người đã đọc để lại bút tích; phim, ảnh tư liệu gốc, băng ghi âm và  phim tư liệu về hoạt động của Người; điện thư và quà tặng của nhân dân Việt Nam và bè bạn quốc tế gửi tặng Người… Trong số đó, có 1 sưu tập hiện vật hết sức quí giá là bản thảo những bài viết, bài báo, bài nói chuyện, bài trả lời phỏng vấn, thư, điện trong nước và nước ngoài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phản ánh toàn diện, sâu sắc và toát lên được cốt lõi, linh hồn tư tưởng Hồ Chí Minh. Một bản thảo được lưu giữ đầy đủ, có ý nghĩa sâu sắc về nội dung tư tưởng và là tài liệu trưng bày gây ấn tượng đặc biệt đối với khách tham quan là bản thảo: “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, ngày 17-7-1966” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bản thảo “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” (Văn bản Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam sáng ngày 17-7-1966), là một trong số 30 di vật và cổ vật được công nhận bảo vật quốc gia (đợt I)1. Đây cũng là một trong 5 di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công nhận bảo vật quốc gia2.

I. Lịch sử, nguồn gốc, mô tả bản thảo

 Tài liệu do Văn phòng Phủ Chủ tịch lưu giữ từ năm 1966. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, năm 1970 Văn phòng Phủ Chủ tịch giao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh bảo quản3. Bản thảo gồm 4 bản (33 trang):

1. Bản thứ nhất, dự thảo đánh máy, 3 trang, tiếng Việt, chữ màu xanh trên giấy pôluya, có bút tích sửa của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tiêu đề: Đồng bào và chiến sĩ yêu quí. Kích thước trang 1 và 2: 21cm x 27cm; trang 3: 13,5 cm x 21 cm). Cả 3 trang tài liệu đều có nhiều đoạn gạch bỏ, sửa, viết chèn thêm dòng (phía trên hoặc bên lề trái của trang). Bút tích sửa và chữ viết thêm của Chủ tịch Hồ Chí Minh màu mực đỏ hồng Parker. Đặc biệt dòng cuối : Kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi muôn năm’’ đã gạch đi và viết là: Đồng bào và chiến sĩ cả nước, hăng hái tiến lên’’.

Bản thảo “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước”

2. Bản thứ hai, đồng chí Vũ Kỳ (Thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh) chép tay, 3 trang (1 tờ), tiếng Việt, chữ viết bằng bút mực xanh đen và bút bi đỏ tím trên giấy học sinh có dòng kẻ ngang xanh nhạt, có bút tích của  Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng bút bi đỏ tím ở cuối bài ghi tên các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư  yêu cầu xin cho ý kiến và gửi lại chiều hôm nay’’. Tiêu đề là Hỡi đồng bào và chiến sĩ cả nước!

3. Bản thứ ba, đánh máy, 7 bản đánh máy trên cùng 1 táp, mỗi bản 03 trang, tiếng Việt, chữ màu xanh, kích thước: 21cm x 27cm. Đây là 7 bản gửi cho 07 đồng chí: Tố Hữu, A. Văn (Võ Nguyên Giáp), A. Dũng (Văn Tiến Dũng), Trường Chinh, A. Tô (Phạm Văn Đồng), A. Hùng (Phạm Hùng). Các bản đều có ý kiến sửa của từng người trực tiếp vào văn bản. Tiêu đề giống bản 2.

4. Bản thứ tư, đánh máy, 2 bản, mỗi bản 03 trang, trong đó bản đánh máy trên giấy trắng dày, có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bản Người đọc trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam sáng ngày 17-7-1966. Viết thêm trên tiêu đề bút bi đỏ: Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch’’ 4.

II. Giá trị tiêu biểu của bản thảo

Lời kêu gọi lịch sử với câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành chân lý của mọi thời đại “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, là kết tinh truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, là thể hiện nguyện vọng được sống trong hòa bình của dân tộc Việt Nam. “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã trở thành khẩu hiệu hành động, qui tụ, đoàn kết và thôi thúc cả dân tộc bước vào giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại.

Lời kêu gọi khẳng định ý chí quyết tâm chiến đấu đến cùng của dân tộc Việt Nam để giành độc lập. Người khẳng định “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”. Đây cũng chính là hiệu triệu đã được phát thường xuyên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam trong thời gian đó.

 Trong Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết khẳng định cho toàn thế giới thấy rằng: “Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hoà bình, hòa bình thật sự, hòa bình trong độc lập tự do”. Nhân dân Việt Nam phải tiến hành cuộc chiến đấu gian khổ, chịu rất nhiều hy sinh cũng vì hoà bình, độc lập tự do của dân tộc mình và của cả loài người.  Người khẳng định Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút hết quân đội Mỹ và chư hầu ra khỏi Việt Nam thì hòa bình sẽ trở lại ngay lập tức. 

Thay mặt nhân dân Việt Nam,  Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng cảm ơn  nhân dân tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân Mỹ, chính phủ các nước anh em, bè bạn quốc tế đã hết lòng ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa chống xâm lược của nhân dân Việt Nam.

“Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước”- bản đánh máy

III. Tính quí hiếm, toàn vẹn và tình trạng bảo quản sưu tập bản thảo

Bản thảo “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang lưu giữ ở Bảo tàng Hồ Chí Minh là tài liệu gốc, độc bản, do chính Người soạn thảo và sửa nhiều lần.  Đây là một văn kiện lịch sử có giá trị như một lời hịch kêu gọi toàn dân tộc đồng tâm, nhất trí, vượt qua mọi khó khăn, thách thức tiến lên giành chiến thắng. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, từng trang bản thảo, từ dự thảo đánh máy đầu tiên có bút tích sửa của Người, những bản có ý kiến bổ sung, sửa của các đồng chí trong Bộ Chính trị và Ban bí thư đến bản cuối cùng là văn bản được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam sáng ngày 17-7-1966 và đăng trên báo Nhân dân, số 4484, ngày 17-7-1966 đều vẫn nguyên vẹn như nó vốn có.

Bản thảo “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được quan tâm lưu giữ, bảo quản cẩn trọng, từng trang tài liệu được ngăn cách bởi một tờ giấy can Freeaxit, đặt trong hộp bảo quản bằng bìa cứng Freeaxit trong môi trường tương đối ổn định về nhiệt ẩm: Nhiệt độ: 19 -> 240C. Độ ẩm: 43-55%. Ánh sáng: dưới 50 Lux.

Bản thảo “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có ý nghĩa đặc biệt trọn vẹn, khi tại Kho Cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện lưu giữ những hình ảnh tư liệu: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” (sau đó phát thanh trên Đài Tiếng nói Việt Nam sáng 17-7-1966), tại phòng khách nhỏ Phủ Chủ tịch ngày 16-7-1966. Ảnh do Nhiếp ảnh gia Phủ Chủ tịch Vũ Đình Hồng thực hiện5 và Băng ghi âm “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc (Thời lượng: 7 phút 34 giây). Đó là những hiện vật lưu giữ bằng văn bản giấy, bằng hình ảnh và tiếng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quí giá về một sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc đời sự nghiệp cách mạng của Người và lịch sử cách mạng Việt Nam.

Trong những năm qua, Bản thảo “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” cùng với nhiều tài liệu, hiện vật - Di sản quí giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn phát huy tác dụng rất tốt, phục vụ nghiên cứu và tuyên truyền tư tưởng, cuộc đời và đạo đức Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất.

Chu Thị Ngọc Lan

Top