“Kho báu” của du lịch Việt Nam
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đặng Ân, Giám đốc Sở VHTTDL Lạng Sơn nhấn mạnh, việc liên kết và hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh trong vùng Đông Bắc có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy các lợi thế của mỗi địa phương về tiềm năng và các nguồn lực phát triển du lịch, đồng thời bổ sung khắc phục những hạn chế cho nhau, từ đó tạo ra những sản phẩm đặc trưng, có chất lượng cao.
Vùng Đông Bắc bao gồm các tỉnh Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đều nhận định, vùng Đông Bắc có tiềm năng, lợi thế lớn trong phát triển du lịch. Đây là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời với các phong tục, tập quán, lễ hội, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống đặc sắc. Nơi đây cũng có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hệ sinh thái đa dạng cùng hệ thống các di tích lịch sử cách mạng như An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn), Tân Trào (Tuyên Quang)... Tuy nhiên, việc khai thác các giá trị tài nguyên đặc trưng để xây dựng sản phẩm du lịch còn thiếu tầm nhìn tổng thể, chưa thực sự hấp dẫn.
Toàn cảnh Hội thảo
TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, khẳng định, vùng Đông Bắc là “kho báu” của du lịch Việt Nam với lợi thế về tài nguyên tự nhiên, văn hóa và cửa khẩu. Vùng hiện có 3 trong tổng số 4 công viên địa chất toàn cầu trên cả nước; hệ thống di tích lịch sử nhiều với văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số vô cùng đặc sắc; hệ thống hang động, sông suối, thung lũng, cảnh quan tự nhiên...
“Một làng văn hóa của Tokyo (Nhật Bản), mỗi năm thu hút 2 triệu khách đến tham quan, trải nghiệm. Vùng Đông Bắc của Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển mạnh du lịch cộng đồng và đây là thời điểm để vùng bứt phá” - TS Tuấn nhấn mạnh.
Từ đó, TS Tuấn gợi ý một số định hướng đầu tư phát triển du lịch như: phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ chất lượng cao và đẳng cấp; phát triển hệ thống tuyến du lịch nội tiểu vùng, khu vực và quốc tế; khai thác phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; đầu tư tôn tạo, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, nâng cấp các di tích văn hóa lịch sử; quy hoạch không gian phát triển du lịch, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng các tuyến du lịch đi qua 6 tỉnh Việt Bắc và mang tính liên vùng như “Qua miền di sản Tây – Đông Bắc” kết nối 7 tỉnh Đông Bắc với 7 tỉnh Tây Bắc, với một số tỉnh đồng bằng sông Hồng, đặc biệt với Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình.
Đổi mới, sáng tạo sản phẩm du lịch
Để giữ vững thị phần trong ngành du lịch toàn cầu, ông Phạm Hồng Long, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, các quốc gia và khu vực buộc phải không ngừng đổi mới và sáng tạo.
"Những điểm đến có sự khác biệt, sản phẩm du lịch độc đáo và được thiết kế chuyên nghiệp thường là những điểm đến thành công trong việc thu hút khách du lịch. Việc đổi mới và sáng tạo không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn tạo ra những giá trị gia tăng quan trọng cho ngành du lịch, từ đó củng cố sự phát triển bền vững" – ông Long cho biết
Trên cơ sở đó, ông Long đề xuất, nhằm tạo ra những giá trị khác biệt và bền vững, cần chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển các sản phẩm du lịch sáng tạo; phát triển các sản phẩm du lịch bền vững như du lịch trải nghiệm dựa trên nền văn hóa bản địa, tạo các tour du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên, thiết kế các tour du lịch kết hợp thể thao mạo hiểm, phát triển các sản phẩm du lịch về đêm... Bên cạnh đó cũng cần tăng cường quảng bá thông qua các kênh truyền thông kỹ thuật số và hợp tác quốc tế sẽ nâng cao hình ảnh điểm đến trên bản đồ du lịch toàn cầu.
Du khách tham quan Khu di tích lịch sử Tân Trào
Trong khi đó, ông Lê Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), nêu quan điểm phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng có ý nghĩa quốc gia và quốc tế như du lịch về nguồn, du lịch gắn với công viên địa chất toàn cầu, du lịch gắn với cảnh quan thiên nhiên; sản phẩm du lịch có ý nghĩa vùng và địa phương như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa dân tộc bản địa, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn và du lịch nghỉ dưỡng.
Trên cơ sở xác định các sản phẩm du lịch chuyên biệt khai thác từ các giá trị văn hóa đặc trưng, nổi trội của các địa phương trong vùng, PGS.TS Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Du lịch Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, với đặc trưng của khu vực miền núi Đông Bắc cần tạo được những điểm đến du lịch đặc thù là các làng bản văn hóa du lịch, nơi diễn ra các hoạt động du lịch gắn với điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái cảnh quan cùng các giá trị văn hóa bản địa. Mỗi địa phương cần tính toán, lựa chọn cộng đồng cư dân sinh sống để hình thành những điểm đến văn hóa du lịch cộng đồng không trùng lặp, tránh phát triển tràn lan, không có trọng tâm. Hơn nữa, phát triển du lịch cộng đồng liên kết với các điểm du lịch khác, nâng cao sức hấp dẫn tổng thể không chỉ điểm du lịch, địa phương mà của cả khu vực.
Hoàng Vân