Bài phát biểu của Quyền Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tại Lễ đón Bằng UNESCO ghi danh Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”
Kính thưa:
- Ngài Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,
- Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
- Ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam,
- Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, cùng đại diện Lãnh đạo các địa phương tỉnh, thành có Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ,
Kính thưa các nghệ nhân và thành viên cộng đồng Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ,
Kính thưa quý vị đại biểu,
Hôm nay, tôi rất vinh hạnh được có mặt ở đây, tại tỉnh Nam Định, một trong những trung tâm Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt, để chứng kiến một mốc son to lớn trong một hành trình của di sản được biết đến từ thế kỷ thứ 16 này.
Chiến tranh kéo dài hàng chục thập kỷ và công cuộc tái thiết, đổi mới đất nước đầy khó khăn ở Việt Nam đã đặt ra những thách thức trong gìn giữ và bảo vệ các thực hành văn hóa, đặc biệt là trong bảo vệ Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt.
TS Susan Vize, Quyền Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao Bằng chứng nhận Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Song, may mắn thay những khó khăn, thách thức đó đã không làm di sản mai một đi. Thay vào đó, từ chỗ bị hạn chế do hiểu nhầm, bị cấm đoán và thực hành đứt quãng trong một thời gian, những giá trị đích thực của di sản này đã dần hồi sinh và lan tỏa mạnh mẽ.
Có được điều này là nhờ vào những chính sách đúng đắn và kịp thời của chính phủ Việt Nam, mà trước hết là sự ra đời của Luật Di sản văn hóa, Pháp lệnh Tôn giáo và Tín ngưỡng, và việc tích cực tham gia thực hiện Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO; và đặc biệt là niềm tin và quyết tâm mạnh mẽ của những người nắm giữ và thực hành di sản này - những người luôn canh cánh tâm niệm “Trên lo việc thánh. Dưới gánh việc trần”.
Kính thưa quý vị,
Thực hành nghi lễ của thờ Mẫu Tam Phủ, tiêu biểu là nghi lễ lên đồng và các thực hành trong lễ hội, không chỉ đơn thuần là những cuộc trình diễn âm nhạc, trang phục, điệu múa mà thực sự là những cuộc đối thoại và giao tiếp tâm linh đầy cảm xúc giữa con người với vị thánh – hiện thân cho sức mạnh của thiên nhiên: miền trời, sông nước, rừng núi.
Việc chia sẻ các giá trị tín ngưỡng về tình thương bác ái và lòng từ bi độ lượng của các Thánh Mẫu và những nhân vật lịch sử khác, đặc biệt là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, là nền tảng cho sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng.
Ở phương diện xã hội, tính chất cởi mở của di sản đã khích lệ và bồi đắp lòng khoan dung giữa các tộc người và với các tôn giáo khác, đề cao sự trân trọng đối với sự đa dạng trong sáng tạo văn hóa của nhân loại.
Đến nay, những thực hành di sản này đã trở thành sợi dây quan trọng của các cộng đồng có liên quan, thể hiện ký ức của họ về lịch sử, bản sắc văn hóa, và sự cộng cảm với những ước vọng tâm linh.
Chính vì những giá trị đó, tại Phiên họp lần thứ 11 diễn ra từ ngày 30-11 đến ngày 3-12 năm 2016 tại thành phố Addis Ababa, Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia, Uỷ ban Liên Chính phủ về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã ghi danh Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể Đại diện của Nhân loại.
Tôi xin chúc mừng tất cả những người nắm giữ và thực hành di sản này ở khắp 21 tỉnh thành ở Việt Nam!
Kính thưa quý vị,
Như một biện pháp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, việc ghi danh một di sản vào Danh sách của UNESCO không phải là điểm kết thúc, mà chính là khởi đầu cho một hành trình mới.
Có được sự bền vững trong công tác bảo vệ và phát huy di sản của chúng ta chưa bao giờ là công việc dễ dàng, mà đòi hỏi sự trân trọng và quyết tâm bảo vệ những giá trị tín ngưỡng từ truyền thống, đồng thời cũng cần cho phép tiếp thu những giá trị tốt đẹp nhất trong thời hiện đại.
Hơn nữa, điều tối quan trọng là phải thu hút sự tham gia của những bên có liên quan chính. Cộng đồng nắm giữ và thực hành di sản và con, cháu của họ là trung tâm của sứ mệnh này và họ sẽ đảm bảo rằng những giá trị thuộc bản sắc văn hóa của họ sẽ được liên tục trao truyền và ngày càng được làm phong phú hơn.
Trong nỗ lực đó, chúng ta phải luôn tự nhắc nhở mình rằng giá trị của di sản văn hóa phi vật thể chỉ có thể được xác định bởi chính cộng đồng đã sáng tạo, thực hành và chuyển giao nó khẳng định là bản sắc của họ và có hành động để bảo vệ.
Mục tiêu cao nhất của việc bảo vệ di sản là tiếp sức cho cộng đồng, với sự đồng thuận tự nguyện và hiểu biết đầy đủ của họ, trong việc nhận diện đúng các giá trị, chuyển giao các tri thức, kỹ năng và ý nghĩa của di sản nhằm để củng cố, giữ cho di sản sống và cho phép nó thay đổi và thích ứng.
Bên cạnh những giá trị về tâm linh, di sản cũng cần mang lại những cơ hội tạo nhu nhập, nâng cao sinh kế cho chính những người thực hành và nắm giữ. Có như vậy, di sản mới được bảo vệ bền vững trong từng gia đình và cộng đồng.
UNESCO mong rằng Chính phủ Việt Nam, thông qua các cơ quan hữu quan, các tổ chức và cá nhân tiếp tục đồng hành cùng các thành viên cộng đồng Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ đề ra và triển khai những biện pháp bảo vệ hữu hiệu.
Đồng thời, chúng ta cần không ngừng nâng cao nhận thức và giáo dục cho công chúng và các thế thệ tương lai về những giá trị của di sản, đặc biệt là lòng bác ái và sự khoan dung.
UNESCO sẽ luôn sát cánh bên các quý vị trong mọi nỗ lực nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho các cộng đồng văn hóa và giúp họ bảo tồn nguồn di sản văn hóa quý báu, một tài sản cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Xin cảm ơn./.
Nguồn: Bộ VHTTDL