Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm và sự quan tâm chăm sóc của mình đối với đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam. Chặng đường sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, mùa Xuân năm 1941, Bác về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Thay mặt đồng bào cả nước, bà con các dân tộc trên bản nhỏ của người Nùng ở Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đón Bác về.

Đứng trước những yêu cầu thực tiễn của cách mạng, tháng 12-1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Trong số 34 cán bộ, chiến sĩ của đội có 29 người là dân tộc thiểu số, còn lại 5 chiến sĩ người dân tộc Kinh. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ba tháng sau ngày nước nhà độc lập, tại Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam, ngày 3 tháng 12 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến sự thành công của cách mạng Việt Nam, đó là: “Nhờ sức đoàn kết đấu tranh chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng phải đoàn kết hơn nữa”. 

Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Internet.

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi vào năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ, Trung ương Đảng từ Chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô sau chín năm kháng chiến anh dũng và gian khổ. Ngày 19-12-1954, Bác chính thức về ở tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch ngày nay. Ngày 7-5-1955, nhân dịp kỷ niệm một năm ngày giải phóng Điện Biên Phủ, Bác đã viết thư gửi đồng bào Khu tự trị Thái - Mèo, trong thư có đoạn viết: “Từ một năm nay, vùng Tây - Bắc ta được hoàn toàn giải phóng, đó là do các dân tộc đoàn kết chặt chẽ, hăng hái kháng chiến; do bộ đội ta anh dũng đánh giặc; do Đảng và Chính phủ ta lãnh đạo sáng suốt”. Chính phủ đã quyết định thành lập Khu tự trị Thái - Mèo với mục đích làm cho các dân tộc anh em ở nơi đây dần dần tự quản lý lấy công việc của mình, mau chóng phát triển kinh tế và văn hoá của mình, thực hiện các dân tộc bình đẳng về mọi mặt.

Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Người cùng với các đồng chí lãnh đạo Nhà nước Việt Nam đã tiếp đón, gặp mặt nhiều đại biểu các dân tộc thiểu số thuộc các đoàn thể, các ngành, các giới từ khắp mọi miền Tổ quốc như: Tháng 8 năm 1958, Người đã tiếp đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số Liên khu 4 ra Thủ đô dự Lễ Quốc khánh tại đây; Tháng 10 năm 1958, Người tiếp Đoàn đại biểu các dân tộc tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng gồm tỉnh Quảng Yên và Khu Hồng Gai cũ (nay là Quảng Ninh) nhân dịp Đoàn về thăm thủ đô. Nói chuyện thân mật với các đại biểu, Người căn dặn mọi người phải tăng cường đoàn kết, hăng hái thi đua sản xuất, tiết kiệm, cảnh giác với âm mưu chia rẽ phá hoại của bọn tay sai Mỹ - Diệm; Tháng 11 năm 1958, Người tiếp đoàn đại biểu các dân tộc khu Lao - Hà - Yên về thăm Thủ đô; Tháng 5 năm 1959, Người gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu các dân tộc Tây Bắc về dự Lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động ở Thủ đô, Người dặn dò các đại biểu cần động viên bà con tăng gia sản xuất để đời sống ngày càng no ấm hơn. Muốn sản xuất có kết quả, phải tổ chức tổ đổi công, nơi nào có tổ đổi công rồi thì phải làm thật tốt để tiến dần lên hợp tác xã. Không những đón tiếp các đoàn đại biểu dân tộc thiểu số đến thăm, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đến trực tiếp thăm hỏi đồng bào dân tộc thiểu số như: Tháng 7 năm 1960, Người tới thăm và nói chuyện với đại biểu các dân tộc ít người trong Quốc hội khoá II về chính sách đoàn kết dân tộc của Chính phủ và nhiệm vụ của các đại biểu Quốc hội trong sự nghiệp cách mạng; Tháng 2 năm 1961, Người đến thăm Trường Cán bộ dân tộc Trung ương. Người khen ngợi anh chị em học viên đã đoàn kết tốt, học tập tốt và căn dặn mọi người phải cố gắng đoàn kết, học tập tốt hơn nữa và chú ý vệ sinh phòng bệnh để có sức khoẻ bảo đảm học tập.

Tại nơi đây cũng đã chứng kiến sự trăn trở đêm ngày của Người nhằm đưa ra những quyết sách khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh; xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm hậu phương vững chắc cho cách mạng cả nước; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà, tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè quốc tế. Cùng với đường lối khôi phục và phát triển kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đẩy mạnh phát triển khối đại đoàn kết các dân tộc để phục vụ những yêu cầu mới của cách mạng. Ngày 7 tháng 5 năm 1959, Người lên thăm đồng bào, cán bộ các dân tộc Tây Bắc nhân kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Nói chuyện với đồng bào và cán bộ tại buổi mít tinh ở Thuận Châu (Sơn La), Người khen ngợi tinh thần đoàn kết kháng chiến cũng như tinh thần đoàn kết sản xuất của tất cả đồng bào, bộ đội, cán bộ trong toàn Khu Tây Bắc. Chủ tịch chúc:

Người người mạnh khỏe,

Đoàn kết chặt chẽ,

Hăng hái thi đua,

Thành công vui vẻ.

và trao tặng lá cờ thêu dòng chữ ĐOÀN KẾT THI ĐUA THẮNG LỢI

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đẩy mạnh phát triển văn hoá giáo dục. Bởi theo Người: “Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế và văn hoá”(4). Bác khen tỉnh Hoà Bình, tỉnh miền núi đầu tiên xoá xong nạn mù chữ và đồng bào xã Bản Phố, Lào Cai, xã dân tộc Mèo đầu tiên xoá xong nạn mù chữ. Ngày 17 tháng 1 năm 1961, Bác gửi thư khen tỉnh Hòa Bình: “Tôi rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ gửi lời khen ngợi tỉnh nhà, là tỉnh miền núi đầu tiên đã xóa xong nạn mù chữ. Trước đây dưới chế độ thực dân và phong kiến, ở Hòa Bình hơn 95% người mù chữ, cả tỉnh chỉ có một trường tiểu học. Ngày nay dưới chế độ dân chủ tốt đẹp của ta, 95% nhân dân biết đọc, biết viết, tất cả 194 xã đều có trường tiểu học, trong tỉnh lại có nhiều trường cấp II, cấp III và trường sư phạm, đó là một thắng lợi vẻ vang(5).

Bác Hồ về thăm lại đồng bào dân tộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Tháng 8 năm 1963, Người đến thăm Hội nghị Tuyên giáo miền núi. Nói chuyện với các đại biểu, Người nêu rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục đối với miền núi và nhắc nhở các cán bộ tuyên truyền phải ghi nhớ: Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Cán bộ phải tự hỏi: Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào? Và phải xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, từ tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào các dân tộc thì mới tìm ra được cái hay cái đúng mà làm. Người đồng thời chỉ thị cho các ngành, các cấp ở Trung ương đều phải nhận trách nhiệm và có kế hoạch giúp đỡ thiết thực đồng bào miền núi về kinh tế cũng như về văn hoá, để miền núi nhanh chóng tiến kịp miền xuôi. Tháng 12 năm 1963, Người tặng huy hiệu cho hai giáo viên miền núi là anh Trương Văn Chín, 20 tuổi, dân tộc Nùng ở xã Thanh Long (Hà Quảng, Cao Bằng) đã tận tuỵ dạy dỗ con em đồng bào dân tộc Dao và anh Lộc Văn Phưa, 38 tuổi, dân tộc Thái ở xã Hiên Kiệt (Quan Hoá, Thanh Hoá), què cả hai chân vẫn tận tụy dạy bà con học chữ; Tháng 3 năm 1964, Người thưởng huy hiệu cho một cán bộ mậu dịch người dân tộc Mông ở Cao Bằng và một chiến sĩ thi đua diệt dốt cũng là người dân tộc Mông ở Lào Cai; Tháng 9 năm 1964, Người thưởng huy hiệu cho hai công nhân Lâm trường Mai Siu (Bắc Giang) vừa công tác vừa dạy các cháu thiếu nhi và đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương học chữ quốc ngữ; Người cũng đã gửi thư khen và gửi phần thưởng cho 654 học sinh giỏi của 18 tỉnh miền Bắc trong năm học 1964-1965, trong đó có 33 em người dân tộc thiểu số... Đây là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao và kịp thời của Người đối với nhân dân các dân tộc thiểu số.

Vào dịp sinh nhật lần thứ 75 của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt bút viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc. Từ đó hàng năm, Người dành một thời gian nhất định từ ngày 10 đến ngày 20 tháng 5, để sửa chữa, bổ sung hoàn chỉnh bản Di chúc. Người đã sửa lần cuối cùng bản Di chúc lịch sử này vào tháng 5 năm 1969. Bản Di chúc khẳng định niềm tin tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc. Trong đó Người dặn dò toàn Đảng, toàn dân phải không ngừng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người viết: Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. ... Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Ngày nay, những lời dạy của Bác về bình đẳng dân tộc, về sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc để đồng bào các dân tộc thiểu số có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao hơn đang được Đảng và Chính phủ tiếp tục phát huy. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ thể hiện qua các nghị định, chương trình, dự án, mà còn bằng chiến lược cơ bản lâu dài, như  Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, nhằm tạo động lực phát triển mạnh mẽ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp đó, ngày 14-3-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 402/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển đội ngũ, cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong tình hình mới. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm được đặt ra là công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số dân tộc thiểu số.

Ths Hồ Thị Quỳnh Thoa

Top