Ba bước chuyển của gốm men Việt
Bước chuyển đầu tiên là vào những thế kỷ đầu công nguyên, khi mà đồ gốm của giai đoạn cuối thời Đông Sơn của người Việt cổ đã suy tàn và dường như bị lỗi thời trước đòi hỏi của thị trường tiêu thụ. Thì cùng lúc ấy, người Việt chịu sự tấn công của đế chế Hán, nhằm đồng hóa văn hóa xứ này và giải thể nền văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ một thời. Người Việt cổ đã không bị đồng hóa, văn hóa bản địa đã không bị giải thể, mà ngược lại, vẫn giữ gìn được bản sắc và khéo léo tiếp thu những yếu tố kỹ thuật mới để làm giàu cho kho tàng văn hóa nước nhà. Đồ gốm là một điển hình như vậy. Những lò gốm ở Tam Thọ (Thanh Hóa), Luy Lâu (Bắc Ninh), Yên Lạc (Vĩnh Phúc)… xuất hiện với sự chuyển biến từ sản xuất gốm đất nung không men sang đồ gốm có men, với kỹ thuật nung gốm trong lò cóc, và một quy trình và tổ chức sản xuất vô cùng khoa học và tiên tiến, được thực hiện từ những người thợ thủ công Việt với thợ gốm người Hán. Họ đã tạo ra một bộ sưu tập đồ dùng gốm vô cùng phong phú về hình loại và kiểu dáng, với nhiệt độ nung lên tới 13000C và với lớp men mỏng và xương gốm cứng, một thời được mệnh danh là đồ bán sứ (semiporcelaine), để rồi hàng hóa ấy, không chỉ phục vụ cho cộng đồng mà đã xuất khẩu sang các quốc gia Đông Nam Á thời bấy giờ. Khai quật khảo cổ học khu lò gốm Tam Thọ, những nhà nghiên cứu đã nhận sự phân công lao động thông qua các khu vực chuyên biệt của nơi luyện đất, nơi tạo hình, nơi phơi gốm, nơi nung… Những sản phẩm gốm của khu sản xuất này đâu đó có sự ảnh hưởng về phong cách ngoại lai, nhưng xương gốm, men được khai thác tại chỗ, theo đó, có rất nhiều loại hình nồi, vò, vẫn giữ được nguyên dáng của truyền thống gốm Đông Sơn trước đó. Có lẽ, sự bảo lưu truyền thống và sáng tạo tiếp thu yếu tố ngoại lai đã tạo nên một bản sắc riêng biệt, khiến cho các nhà nghiên cứu gốm của Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Trung Quốc lục địa, cũng phải thừa nhận rằng, họ không nhìn thấy sự giống nhau giữa gốm thời Đông Hán ở Trung Nguyên với gốm Việt ở giai đoạn này. Giữ gìn bản sắc, tiếp thu mềm dẻo kỹ thuật bên ngoài, đã được cha ông ta xây nền đắp móng từ 2000 năm trước, để rồi, giờ đây chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn, khi thời gian và thử thách hiểm nguy của dân tộc đã biến điều này trở thành một hằng số của di sản văn hóa Việt Nam.
Bình con tiện. Gốm văn hóa Đông Sơn. Ảnh: Internet
Bước chuyển thứ hai, đó là vào thời Lý - Trần. Sau đêm trường thuộc Bắc, thời Lý - Trần được nhiều nhà nghiên cứu gọi tên là thời kỳ phục hưng văn hóa của Đại Việt, trong đó, gốm men là một biểu hiện khá điển hình và nổi trội. Tất cả các dòng gốm của hai thời đại này đã được định hình: Men ngọc, men trắng, men nâu, men lục, men lam, men hoa lam và hoa nâu. Đó là những dòng gốm dường như đều thấy xuất hiện trong phức hợp gốm sứ của Trung Hoa, thế nhưng, gốm men Việt có những biểu hiện riêng về màu sắc, chất liệu và loại hình. Màu sắc men ngọ của Đại Việt vô cùng phong phú (xanh, nước dưa, ố vàng…), chất liệu gốm men Đại Việt chủ yếu là đất sét pha ít cao lanh, loại hình mang tính gia dụng nổi trội, trong khi đó, gốm men ngọc thời Tống-Nguyên của Trung Hoa chỉ có một màu ngọc và xương gốm có quá nhiều cao lanh, nên giới nghiên cứu xếp chúng vào dòng xương gốm cốt đá (stone ware), loại hình gốm Tống - Nguyên hướng tới đồ dùng cung đình, tôn giáo và tín ngưỡng. Điều đặc biệt, gốm hoa nâu (nền trắng hoa nâu và nền nâu hoa trắng), được coi là một đặc sản của gốm Đại Việt, không có một quốc gia nào trên thế giới có loại gốm này trong dòng chảy lịch sử gốm sứ của mình. Sự riêng biệt gốm men Việt Nam thời Lý – Trần còn nằm ở hoa văn trang trí, với những đường nét phóng khoáng, không quy phạm và mang đậm đề tài Phật giáo (hoa sen, hoa cúc) – một tôn giáo ở hai thời Lý – Trần được coi là quốc giáo.
Thạp gốm hoa nâu thời Lý, thế kỷ 11-13. BTLSQG, cao 37cm
Có một điều lý thú là, trên hoa văn gốm men thời Lý – Trần, người nghiên cứu nhận ra nhiều thành tố hoa văn của nghệ thuật đồ đồng Đông Sơn, có niên đại hơn 1000 năm trước đó (vòng tròn tiếp tuyến, kỷ hà, chữ S gấp khúc…). Sự quay trở lại với truyền thống nghệ thuật Đông Sơn, chẳng những chứng minh sức sống Đông Sơn còn nằm trong tiềm thức của các thợ thủ công Đại Việt, mà còn chứng tỏ cơ tầng mạnh mẽ của nền văn hóa này, để rồi trở thành một tài sản mà đến nay, giới nghiên cứu và sáng tác nghệ thuật vẫn còn khai thác, khi thì nguyên mẫu, khi thì cách điệu cho phù hợp với hơi thở của nghệ thuật hiện đại.
Trong rất nhiều công trình nghiên cứu của mình, tôi vẫn cho hai bước chuyển trên đây của gốm men Việt như là hai cuộc cách mạng. Hai cuộc cách mạng ấy không phủ nhận sạch trơn, mà luôn kế thừa và tiếp thu nghệ thuật truyền thống, đồng thời làm thay đổi dường như hoàn toàn diện mạo gốm men Việt, để biến chúng trở thành một phần không thể thiếu trong kho tàng gốm sứ thế giới và là tài sản của văn hóa - văn minh nhân loại, là đối tượng khai thác không bao giờ cạn của các nhà nghiên cứu gốm sứ Đông - Tây trong mọi thời đại, tính cho tới thời điểm này.
Gốm Chu Đậu cổ trục vớt ngoài khơi Hội An. Ảnh: Internet
Bước chuyển thứ ba, tôi cho là một cuộc cách tân, đổi mới của gốm men Việt, nằm trong thời điểm cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15, tương đương với giai đoạn cuối thời Trần, đầu thời Lê sơ của quốc gia Đại Việt. Sự cách tân, đổi mới được đánh dấu bằng ba sự kiện, tương ứng với ba dòng gốm mới được trình làng, đó là gốm men trắng vẽ lam, dòng gốm đa sắc có dát vàng 10 và dòng gốm men trắng văn in. Gốm men trắng vẽ lam xuất hiện từ thời cuối Trần, nhưng đến đầu thời Lê sơ nở rộ như nấm mọc sau mưa, với chứng tích được tìm thấy ở khu lò gốm Chu Đậu (Hải Dương), Thăng Long (Hà Nội) mà cuộc khai quật con tàu cổ Cù Lao Chàm ở Hội An (Quảng Nam), có thể nói là diện mạo đầy đủ nhất của gốm men Đại Việt thời đại này nói chung và gốm men trắng vẽ lam nói riêng. Trên con tàu, người ta cũng tìm thấy gốm men đa sắc (tam thái, ngũ thái), sản phẩm được sản xuất tại Chu Đậu và Thăng Long được đem đi xuất khẩu. Đặc biệt, men tam thái, ngũ thái của đồ gốm thời Lê sơ tìm thấy trên tàu Cù Lao Chàm có dát những đường hoa văn bằng vàng 10, khiến cho nhà gốm sứ học nổi tiếng thế giới người Anh - John Svenson phải thốt lên rằng, đây là một thành tựu riêng có của Đại Việt vào thời đại ấy. Trên con tàu, cũng tìm thấy đồ gốm men trắng văn in, có xương mỏng như giấy, thấu quang, đã từng có trong Hoàng cung Thăng Long, có hoa văn rồng 5 móng in nổi, như một chứng tích của đồ dùng Nhà vua thời ấy, nay tìm thấy ở tàu Cù Lào Chàm với số lượng ít, phẩm cấp và chất lượng thấp hơn, được giả thiết như những món quà tặng biếu của Vua Đại Việt đến các vương triều lân bang Đông Nam Á.
Bối cảnh để gốm men Đại Việt có bước chuyển mang tính cách tân ấy nằm ở hoàn cảnh khách quan, khi mà vua đầu triều nhà Minh – Chu Nguyên Chương – Minh Thành Tổ bế quan tỏa cảng, đồng nghĩa với việc đồ gốm Trung Hoa không được phép xuất khẩu. Gốm men Đại Việt nhanh chóng tiếp thu thị phần, sản xuất những đồ gốm cao cấp, bán tới hầu hết các quốc gia trên thế giới, để trám lấp vào thị trường gốm sứ Trung Hoa đã bỏ ngỏ. Nắm bắt cơ hội, nhưng có đủ sức để sáng tạo nên những sản phẩm ngang bằng, thậm chí còn hơn cả gốm sứ Trung Hoa khi ấy, làm vừa lòng khách hàng khó tính nhất, theo tôi là một bản lĩnh Việt, một sức sáng tạo Việt, khi mà truyền thống sản xuất gốm đã tôi rèn nên một đội ngũ thợ thủ công đủ làm chủ công nghệ mang tầm thế giới. Đó là một bài học, cho đến nay, vẫn còn nguyên tính thời sự với hàng xuất khẩu Việt Nam. Nói chuyện với các nhà nghiên cứu gốm sứ Đông Nam Á, họ nói rằng, gốm sứ Đại Việt thời Lê sơ với tư cách là cổ vật, giá trị kinh tế của chúng cao hơn so với đồ gốm sứ thời Minh cùng chủng loại.
Ba bước chuyển của gốm men Việt được khái quát qua một bài viết ngắn quả là chưa xứng tầm với ngồn ngộn những cứ liệu có ở trong tay, cùng những kiến giải đầy sức thuyết phục của tác giả, nhưng dung lượng không cho phép đi quá xa, hẹn một dịp khác, xin được kính trình với bạn đọc qua một chuyên khảo hoàn thiện hơn.
TS Phạm Quốc Quân