Ao cá Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch

“Anh dắt em về cõi Bác xưa/ Đường xoài hoa trắng, nắng đu đưa/ Có hồ nước lặng sôi tăm cá/ Có bưởi, cam thơm, mát bóng dừa/ Có rào dâm bụt đỏ hoa quê/ Như cổng nhà xưa Bác trở về/ Có bốn mùa rau tươi tốt lá/ Như những ngày cháo bẹ, măng tre…”.

Ao cá cùng với vườn cây đã là một phần gắn bó mật thiết của Khu di tích quốc gia đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch.

Về ở trong khu Phủ Chủ tịch, Bác cho cải tạo nơi chứa nước thành ao nuôi cá nước ngọt

Vị trí ao cá ngày nay chính là nơi chứa nước cho hươu, nai trong vườn sau Phủ Toàn quyền xuống uống nước. Sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Bác Hồ và Trung ương Đảng, Chính phủ trở về Thủ đô Hà Nội. Cuối năm 1954 Bác về  khu vực này, Người chọn ở trong một ngôi nhà nhỏ phía sau Phủ Toàn quyền, dành ngôi nhà lớn để làm nơi tiếp khách của Đảng và Nhà nước.

Theo gợi ý của Bác, nơi ao tù cớm nắng đã được sửa sang, cải tạo thành nơi nuôi cá, vừa tăng thêm vẻ đẹp của khu vườn, vừa mang lại lợi ích thiết thực. Nhất là trong những năm kinh tế nước ta còn nghèo thì nuôi cá nước ngọt, một ngành chăn nuôi dễ, đầu tư ít lại nhanh được thu hoạch, có lãi, rất được quan tâm phát triển.

Với diện tích trên 3000 mét vuông, ao cá trong vườn Bác không có gì đặc biệt so với những ao cá ở nhiều miền quê nước ta lúc đó. Với độ sâu 1,2 đến 1,5 mét, nước trong ao cũng chưa được lưu thông (sau này ao được cải tạo có độ sâu hơn và có hệ thống đảm bảo nước được lưu thông tốt hơn cho môi trường).

Cơ cấu đàn cá trong ao cũng bình thường, gồm các loại như rô phi, trắm, chép, mè, trôi. Khi nghe nói có loài cá trắm cỏ, Bác nói đem giống về nuôi và làm một khung tre ở góc ao thả cỏ nuôi cá. Cỏ trong vườn nhiều nên cá trắm lớn nhanh. Hàng ngày sau giờ làm việc buổi chiều Bác dành ít thời gian cho cá ăn. Đàn cá cũng thành thói quen đến giờ theo tiếng vỗ tay của Bác lại bơi về phía cầu ao. Bác tìm hiểu từng loại cá trong ao. Mùa hè nóng gắt và mùa đông giá rét, Bác nhắc anh em khoanh vùng chỗ nước sâu thả bèo che nắng mùa hè, chống rét vào mùa đông cho cá. Bác cũng nhắc thả bèo tấm để tăng nguồn thức ăn cho cá rô phi.

Từ ao cá Bác Hồ đến phong trào nuôi cá nước ngọt - Những con số ấn tượng

Với sự chăm sóc của Bác và các cán bộ trong cơ quan, cá trong ao đã góp phần rất thiết thực cải thiện đời sống. Có những lần các cán bộ đến làm việc với Bác, có khi cả khách quốc tế được mời ở lại dùng cơm, Bác cho câu cá trong ao đãi khách. Hàng tháng Bác cho kéo lưới để cải thiện bữa ăn. Mỗi dịp sinh nhật 19-5, ngày Tết Độc lập, Tết cổ truyền Bác cho đánh cá biếu gia đình các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, biếu các gia đình cán bộ trong cơ quan, các đơn vị trong khu vực. Truyền thống này vẫn được thực hiện mãi sau này.

Với điều kiện nuôi bình thường mà cá trong ao đã phát triển rất nhanh. Năng suất ban đầu đạt 1 tấn 1 hécta, sau tăng lên 6,5 tấn. Đặc biệt năm 1963 có con cá trắm cỏ nặng hơn 23 kg. Từ thực tế đó Bác muốn phổ biến, nhân rộng việc nuôi cá ở nước ta và nhắc cán bộ cho giống cá ở “ao nhà Bác Hồ” nhằm cải thiện đời sống nhân dân.

Tháng 5-1960, Bác tặng Hợp tác xã Yên Duyên, ngoại thành Hà Nội lúc đó 100 con cá rô phi. Từ số cá giống đó sau đã được nhân lên với số lượng rất lớn. Quan trọng hơn là từ số cá ít đó nhưng đã động viên xã viên hợp tác xã trong phát triển phong trào nuôi cá ở địa phương. Ngay trong năm 1960 hợp tác xã đã đạt sản lượng 50 tấn; rồi 200 tấn; đến năm 1975 đạt 730 tấn cá. Từ phong trào nuôi cá mà đời sống nhân dân được cải thiện và hợp tác xã còn làm nghĩa vụ thực phẩm cho nhà nước lên đến 610 tấn. Những con số ấn tượng đó được nêu trong một bài báo của Thứ trưởng Bộ Hải sản Nguyễn Bá Phát trên Báo Nhân dân ngày 31-1-1979, đó vẫn sẽ là những con số sinh động cổ vũ nhân dân làm theo gương Bác.

Tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản ao cá Bác Hồ 

Sau khi Bác qua đời, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước mong muốn tiếp tục chăm sóc phát huy ao cá Bác Hồ, lấy nơi đây làm thí điểm để động viên phong trào nuôi cá nước ngọt trong cả nước. Thực hiện chủ trương đó, năm 1978 ao cá Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch được tu bổ lớn nhằm bảo vệ, chăm sóc tốt nhất đàn cá trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc bảo tồn di tích.

Để thi công việc tu bổ, 2,7 tấn cá được tạm thời di chuyển an toàn sang nuôi ở ao cá của Trung đoàn 600 và ao cá của Trung tâm Nghiên cứu Thuỷ sản nội địa Đình Bảng, tỉnh Bắc Ninh. Ngày 19-9-1978, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đã làm việc với lãnh đạo Bộ Hải sản, bàn nhiệm vụ thiết kế các phương án kỹ thuật. Hai cơ quan đã thống nhất thành lập một Ban gọi là Ban Thiết kế công trường chuyên lo công việc tu bổ ao. Sau hơn một tháng chuẩn bị, 27 phương án kinh tế-kỹ thuật được đưa ra thảo luận. Sau đó Ban Thiết kế kỹ thuật đã chọn phương án của Phân viện Thiết kế xây dựng Bộ Hải sản.

Ngày 25-10-1978 là ngày khởi công tu bổ công trình. Sau khi bơm cạn nước, 10.600 mét khối bùn đất được vét dọn. Tiếp đó là kè đá, xây chân bờ ao, lát một phần phía cuối ao làm bãi cho cá đẻ và là nơi bắt cá mỗi khi thu hoạch. Đặc biệt lần tu bổ lớn này đã thiết kế và lắp đặt hệ thống cấp nước sạch cho ao gồm bể chứa và hệ thống ống ngầm vòi nước phun, trạm bơm áp suất cao tăng hàm lượng ô xy và cả hệ thống tăng nhiệt độ trong nước. Công trình tiêu thoát nước được lắp đặt tại ba vị trí là Đường Xoài, đường Bắc Sơn và khu vườn cây. Sau đúng một tháng thi công, ngày  25-11-1978 việc tu bổ, sửa sang ao cá được hoàn tất, cá của ao Bác được di chuyển trở về an toàn.

Nói đến việc tu bổ, cải tạo ao cá Bác Hồ năm 1978 không thể không nói đến lực lượng tham gia vào công việc ý nghĩa này. Trong Báo cáo ngày 30-12-1978 của Lãnh đạo Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh “Ra sức chăm sóc “Ao cá Bác Hồ”, phát triển phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ”, đẩy mạnh nghề nuôi trồng thuỷ sản trong cả nước”, đồng chí Vũ Kỳ đã nêu đầy đủ tên các đơn vị tham gia. Đó là: Công ty Xây lắp số I Bộ Hải sản; Xí nghiệp Xây lắp Cẩm Sơn; Cơ quan Bộ Hải sản; Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh; Phân viện Thiết kế Xây dựng cơ bản Bộ Hải sản; Đoàn khảo sát thiết kế Bộ Nông nghiệp; Trung tâm Nghiên cứu Thuỷ sản nội địa Đình Bảng; Cục D14 Bộ Nội vụ; Sở Ăn uống Hà Nội; Quầy hàng phục vụ ăn uống Quán Thánh; Các cơ quan tuyên huấn, tuyên truyền, báo chí, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình, xưởng phim… Lực lượng tham gia còn có cán bộ và công nhân Nhà máy nước Hà Nội; Xí nghiệp Thoát nước Hà Nội; Cán bộ và chiến sĩ Trung đoàn 600 công an nhân dân vũ trang; Cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bộ Tư lệnh Thông tin; Giáo viên và học sinh các trường đại học: Thương nghiệp, Giao thông, Kinh tế - Kế hoạch, Sư phạm I Hà Nội, Sư phạm ngoại ngữ, Bách khoa, Y khoa, Dược khoa, Thuỷ lợi, Trường Cán bộ Đoàn thanh niên Trung ương. Lực lượng đông đảo tham gia và tinh thần lao động hăng say của họ trong việc tu bổ ao cá Bác Hồ không chỉ có ý nghĩa gìn giữ một di sản vật thể, mà điều quan trọng hơn là để góp phần gìn giữ và phát huy một  phong cách sinh hoạt nổi bật của Bác - đó là tình yêu thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. 

Song song với việc tu bổ ao cá, ngày 15-11-1978 Liên Bộ Hải sản - Nông nghiệp - Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đã chính thức phát động phong trào “Ao cá Bác Hồ”. Phong trào đã lan toả, phát triển nhanh chóng trong cả nước. Chỉ hai ngày sau khi phát động, ngày 17-11-1978 Thủ đô Hà Nội đã mở đầu tổ chức việc đón cá từ “Ao nhà Bác” về nuôi và xây dựng các “Ao cá Bác Hồ”. Rồi sau là các tỉnh Vĩnh Phú, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh, các đơn vị quân đội, Quảng Ninh, Nghệ Tĩnh, Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình, các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long… Ngay sau ngày phát động phong trào đã có 504 “Ao cá Bác Hồ” ra đời từ kết quả cải tạo ao hồ hoang hoá với diện tích 318 hécta. Đến năm 1981 diện tích ao cá đã tăng lên 1.500 hécta.

Ao cá Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch xưa kia là một phần gắn với cuộc sống thường ngày của Bác, nay trở thành một di sản vô giá cả về văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể.

TS NGUYỄN THỊ TÌNH

Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh

 

Top