Ấn tượng Mỹ Sơn

Gần làng Mỹ Sơn, thuộc tổng An Hoà, huyện Duy Xuyên (nay là xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên), ẩn sâu trong một thung lũng hẹp là thánh địa Mỹ Sơn nằm ở giữa một thung lũng tròn, bao quanh bởi núi Răng Mèo - Hòn Đền. Quần thể di tích Mỹ Sơn được hình thành và phát triển trong 9 thế kỷ, từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII của vương quốc Champa.

Nhìn kiến trúc đền tháp ở Mỹ Sơn cũng đã hình dung được phần nào bộ mặt, sức sống của vương quốc Champa với 31 bi ký Champa cổ được phát hiện, chiếm hơn 1/5 tổng số 170 bi ký Champa đã biết.        

Theo thư tịch cổ Trung Hoa thì vào cuối thế kỷ thứ II sau công nguyên, người Chăm thành lập nước Lâm Ấp. Bi ký Chăm cổ cho biết vua Bhadravarman I, người xây dựng kinh thành Trà Kiệu, đã chọn thung lũng Mỹ Sơn làm nơi dựng đền thờ thần Siva - cội rễ của vương quốc Champa - vào cuối thế kỷ thứ IV sau Công nguyên. Thung lũng này kín đáo nên vừa đạt được sự thâm nghiêm cần thiết theo quan niệm Ấn Độ giáo lại vừa có tính chất hiểm trở của một khu vực phòng ngự. Bi ký cổ Chăm cho biết ngôi đền đầu tiên được dựng bằng gỗ là Bhadresvara (kết hợp tên thần Isvara - tức Siva - với tên vua Bhadravarman I). Thần được thờ dưới biểu tượng bộ sinh thực khí. Bộ linga thờ này là biểu hiện cổ nhất của sự kết hợp giữa vương quyền và thần quyền ở Đông Nam Á. Hơn hai thế kỷ sau, giữa những năm 529 - 577, ngôi đền này bị thiêu hủy. Vua Sambhuvarman (mất năm 629) đã xây dựng lại bằng gạch nung và ghép thêm tên mình vào tên cũ thành Sambhubhadresvara. Từ đó về sau, các vị vua sau khi lên ngôi cũng đều cho xây dựng ở Mỹ Sơn những đền tháp mới hoặc tu bổ lại các ngôi đền cũ bị thời gian và chiến tranh hủy hoại. Vì vậy Mỹ Sơn dần phát triển thành thánh địa của cả vương quốc Champa.

Quần thể di tích Mỹ Sơn được hình thành và phát triển trong 9 thế kỷ, từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII của vương quốc Champa. (Ảnh: TL)

Năm 653 Prakasadharma lên ngôi đã xây nhiều đền thờ tại Mỹ Sơn, cúng nhiều đất đai, của cải cho thần Srisambhubhadresvara. Ông chính là người xây thêm đền thờ thần Kuvera (Tài lộc) ở Mỹ Sơn và đền thờ thần Visnu ở khu vực Trà Kiệu. Từ năm 749 đến năm 875 vai trò trị vì vương quốc thuộc về thị tộc Cau (Kramukavamsa) ở miền Nam, Virapura (thành phố Hùng Tráng) được coi là kinh đô. Và một thánh địa mới được tôn sùng, đó là Pô Nagar ở vùng Kauthara (Nha Trang), thờ nữ thần Mẹ của vương quốc. Thánh địa Srisambhubhadresvara (Mỹ Sơn) ít được chú ý hơn. Vào những năm cuối của thế kỷ IX, đạo Phật được coi như Quốc giáo, vua Indravarman II đặt lại kinh đô ở vùng Quảng Nam - Indrapura (thành phố Sấm sét). Sùng Phật, năm 875 ông đã xây dựng một Vihara (Phật viện) ở Đồng Dương, cách Trà Kiệu 20km về phía Nam. Đây chính là thánh địa lớn thứ ba của vương quốc Champa. Sang đầu thế kỷ thứ X, Siva giáo được phục hưng, trong vương quyền, đạo Phật mất dần vai trò, lập tức Mỹ Sơn được phục hồi. Các đền tháp cũ được tu bổ, hàng loạt thánh đường mới được xây dựng làm Mỹ Sơn có một bộ mặt mới. Vua Indravarman III (trị vì từ 918 đến 958) đã tiếp tục xây dựng rất nhiều ở Mỹ Sơn. Các bi ký cho phép khẳng định thánh địa Mỹ Sơn chỉ mất vai trò trong một vài thập kỷ cuối thế kỷ IX - đầu thế kỷ X. Nhưng các cuộc chiến tranh ở thế kỷ thứ XI đã tàn phá vương quốc Champa và cả các đền tháp ở khu vực Mỹ Sơn. Các vua sau đó (Paramabodhisattva và Giaya Indravarman II) chỉ cúng của cải và đồ tế tự nhưng vua Harivarman V và Giaya Indravarman III thì có xây thêm những đền tháp nhỏ ở Mỹ Sơn. Đến năm 1149, Giaya Harivarman I lên ngôi, lập kinh đô mới ở Vijaya (Bình Định) nhưng cũng cho tu bổ các thánh đường và dựng mới hai ngôi đền lớn ở Mỹ Sơn. Vị vua tiếp nối là Indravarman IV dùng vàng bạc trang điểm, dát lên mái các đền tháp. Từ năm 1170 nhiều cơn binh lửa xảy ra ở vương quốc Champa, nhiều lần người Chăm mất chủ quyền. Mãi tới năm 1220 nền độc lập mới được vua Jaya Paramesvaravarman II khôi phục. Ông vua này đã cho dựng lại tất cả các linga ở Yang Po Nagara (Nha trang) và Srisambhubhadresvara (Mỹ Sơn). Sau thế kỷ này có lẽ các vua Chăm không xây dựng gì thêm mà chỉ thờ phụng, dâng cúng lễ vật. Đây cũng là thời kỳ bắt đầu suy thoái của vương quốc Champa. Các đền tháp mới đều chỉ được xây dựng ở vùng Vijaya (Bình Định). Thánh địa Mỹ Sơn không được chăm sóc dần trở thành hoang phế vào thế kỷ thứ XV, khi các vua Chăm buộc phải lui về vùng Phan Rang lập kinh đô Panduranga.

Bị bỏ quên gần ba trăm năm, mãi đến năm 1898 Mỹ Sơn mới được nhà khoả cổ Pháp C.Paris phát hiện lại, lập tức nó đã hấp dẫn các nhà nghiên cứu. Năm 1899, L. Finot và L. Lajonquyere hai học giả Pháp trường Viễn Đông Bác Cổ (E.F.E.O) đã đến Mỹ Sơn nghiên cứu các bia Chăm cổ. Từ năm 1901 đến năm 1904, H.Parmentier và C.Carpeaux đã ở Mỹ Sơn để nghiên cứu kiến trúc và điêu khắc đồng thời đào khai quật khảo cổ một số địa điểm. Cũng vào năm 1904, L.Finot và H.Parmentier lần đầu tiên công bố những tư liệu về bi ký và kiến trúc của Mỹ Sơn. Trong các năm 1909-1918 H.Parmentier công bố công trình Inventaire descriptif des monuments Cham de’ Annam. Các đền tháp ở Mỹ Sơn chiếm một phần quan trọng trong các nghiên cứu của ông. Theo nguyên tắc đặt tên cho mỗi nhóm đền tháp một chữ cái latinh rồi đánh số từng di tích trong nhóm bằng số Ả Rập, ông đã thống kê được tất cả 71 di tích và phế tích trong thung lũng Mỹ Sơn. Theo kết quả khảo sát năm 2002, Mỹ Sơn hiện còn 57 di tích nhưng chỉ có 30 đền tháp còn tường cao trên một mét. Nhóm tháp A trước đây có 13 tháp. Hiện nay chỉ còn các phế tích của 7 tháp. Nhóm tháp A’ có 4 tháp đều đã sụp đổ và vùi lấp chỉ còn lại các phế tích. Nhóm tháp B trước đây có 13 tháp, hiện còn 8 phế tích và công trình kiến trúc đã được trùng tu, gia cố. Nhóm tháp C vốn có 7 tháp, hiện nay còn đủ 7 tháp, đã được trùng tu, gia cố. Nhóm tháp D trước đây có 6 tháp, hiện nay còn 4 tháp và dấu vết của 2 tháp. Nhóm tháp E trước đây có 9 tháp, hiện còn 8 phế tích mà hầu hết đều bị sập đổ, duy nhất tháp E7 còn giữ được gần như nguyên vẹn hình khối kiến trúc và trang trí. Nhóm tháp F trước đây có 4 tháp hiện nay chỉ còn 2 phế tích. Nhóm tháp G gồm 5 phế tích. Nhóm tháp H  có 4 phế tích. Nhóm tháp K chỉ còn một phế tích là các mảng tường hướng Bắc và mảng tường hướng Nam của tháp cổng. Nhóm tháp L chỉ còn dấu vết một phần móng tường tháp cổng. Nhóm tháp M, N, O đã bị mất hết dấu vết do bị cây rừng, đất rừng bồi lấp.

(Ảnh: TL)

Mỹ Sơn là khu di tích duy nhất của nghệ thuật Chăm bao gồm tổng thể kiến trúc phong phú và đa dạng của nghệ thuật Chăm có niên đại liên tục trong nhiều thế kỷ. Theo các tài liệu lịch sử, Mỹ Sơn từng là thánh đô, là trung tâm tôn giáo quan trọng và tiêu biểu nhất của vương quốc Champa từ thế kỷ IV đến thế kỷ XV. Các đền tháp ở Mỹ Sơn là những công trình kiến trúc chính thống của quốc gia và đều do các đời vua trị vì xây dựng, vì vậy có thể nói rằng các đền tháp này là tập trung thể hiện những gì tiêu biểu nhất, tinh hoa nhất điển hình cho nền kiến trúc nghệ thuật đương thời với những dạng thể kiến trúc độc đáo, nghệ thuật chạm khắc trên gạch và đá hết sức ấn tượng, tinh xảo, cách sử dụng vật liệu và kỹ thuật xây dựng đặc biệt. Đn tháp Mỹ Sơn được bố trí tập trung thành từng nhóm, trong đó đền thờ chính nằm ở giữa, mỗi nhóm đều được bao quanh bởi những bức tường khá dày cũng bằng gạch. Đế tháp được xây vuông hoặc là hình chữ thập bằng gạch hoặc bằng đá phiến to tượng trưng cho thế giới trần tục. Cửa chính của tháp phần lớn quay về hướng Đông (hướng của thần Sấm sét Indra). Một vài tháp lớn chính có thêm cửa hướng Tây. Thân tháp hoàn toàn bằng gạch với độ dày lớn và chiều cao khác nhau. Trên thân tháp trang trí những trụ áp tường (thường có 5 trụ) và chính giữa là cửa giả lớn được trang trí công phu với hệ thống vòm cuốn có chạm trổ. Tiếp giáp giữa thân tháp và nền chân tháp thường có vật trang trí hình lá đề nhiều lớp chồng lên nhau hoặc là những vòm cuốn nhỏ chạm trổ hoa lá, các vật trang trí bằng đá khắc tượng các thần Ấn Độ giáo. Giữa thân tháp và mái tháp được phân định bởi những đường gờ có chạm trổ tỉ mỉ hình hoa lá đan xen xoắn xuýt nhau, mỗi góc có tượng vũ nữ Apsara, thủy quái Makara hoặc hình ngọn lửa cách điệu đa dạng theo từng phong cách nghệ thuật khác nhau. Cửa chính của tháp phần lớn quay về hướng Đông (hướng của thần Sấm sét Indra). Một vài tháp lớn chính có thêm cửa hướng Tây. Thân tháp là nơi mà các nghệ nhân Champa đã thể hiện tài năng và sự sáng tạo của mình nhằm bộc lộ sự tận tâm trong việc kiến tạo công trình biểu hiện sự sùng kính đặc biệt với các thần linh qua các trang trí điêu khắc trên gạch và trên đá. Trong lòng tháp tường thường để trơn, không gian hạn hẹp và tối, có những ô nhỏ hình tam giác lõm vào trong tường để đặt đèn thắp sáng, đài thờ biểu tượng Siva (Linga) đặt chính giữa lòng đền, chiếm gần hết diện tích và chỉ chừa một lối hẹp đi quanh để hành lễ. Mái tháp có ba tầng và càng lên cao càng thu hẹp lại, mỗi tầng mang hình dáng một đền thờ có đầy đủ những yếu tố chính, trang trí các ngẫu tượng, những vật cưỡi của các vị thần trong Ấn Độ giáo như chim thần, ngỗng thần, bò thần, voi, sư tử.

Kiến trúc ở tháp Chăm tại Mỹ Sơn hội tụ được nhiều phong cách và mang tính liên tục từ phong cách cổ, phong cách Hoà Lai, phong cách Ðồng Dương, phong cách Mỹ Sơn và chuyển tiếp giữa Mỹ Sơn và Bình Ðịnh, phong cách Bình Ðịnh. Tất cả các đền tháp và các công trình phụ đều được xây bằng gạch với một kỹ thuật tinh tế. Các mô típ trang trí hoa văn trên các trụ đá cùng với những tượng tròn và phù điêu sa thạch được chạm khắc dựa theo các thần thoại Ấn Độ giáo cùng với sự kết hợp hài hòa với những mô-típ chạm trổ tinh xảo trên các mảng tường gạch ngoài tháp đã tạo cho quần thể đền tháp Mỹ Sơn vẻ đẹp sinh động, mang nét đặc trưng nhất của các phong cách nghệ thuật Champa. Kalan thường có mặt bằng cơ bản hình vuông. Chỉ có một cửa ra vào duy nhất ở phía Đông, ba phía còn lại là cửa giả. Trong lòng kalan có đặt một bàn thờ linga - yoni bằng đá. Ngoài kalan chính, phần lớn nằm ở trung tâm nhóm đền tháp còn có các kalan phụ, nhỏ hơn, nằm rải rác trong khuôn viên một nhóm đền tháp. Trong các kalan này hoặc thờ các vị thần khác của Ấn Độ giáo, hoặc thờ các vị thần phương hướng (Dicpalakas). Gopura nằm thẳng cửa chính Kalan, cũng có mặt bằng hình vuông, hai cửa ra vào đối diện nhau ở hai hướng Đông - Tây hình thành một lối đi, đó cũng chính là công năng của kiến trúc này - tháp cổng. Kosa Grha thường nằm phía trước, bên phải hoặc trái kalan, nhưng bao giờ cũng ở trong tường bao quanh nhóm đền tháp. Trong lòng Kosa Grha có tường ngăn chia làm hai phòng. Cửa ra vào mở ra hướng Bắc (hướng của thần Kubera), hơi lệch về phía Tây. Mặt tường Đông và Tây trổ hai cửa sổ. Mặt tường Nam xây kín, trang trí các trụ áp tường. Bốn mặt tường tầng hai trổ các cửa sổ nhỏ, mái hình thuyền. Đây là kho lễ vật, nhiều khi kiêm chức năng nhà bếp. Mandapa thường đồng trục với Kalan và Gopura. Có mặt bằng hình chữ nhật. Hai cửa ra vào mở ra hai hướng Đông và Tây. Trên tường của hai cạnh dài không có cửa giả mà mở nhiều cửa sổ. Mái lợp ngói. Mandapa có khi nằm ngoài tường bao quanh và có khi như nằm giữa Gopara và Kalan. Đây là nơi tĩnh tâm, trai tịnh và cầu nguyện trước khi vào hành lễ tại Kalan. Posah có mặt bằng hình vuông, cửa mở ra bốn hướng, thường nằm ngoài tường bao quanh. Chức năng của kiến trúc này là nhà bia ở các nhóm đền tháp lớn mới có.

(Ảnh: TL)

Trong tổng thể đền tháp ở Mỹ Sơn, cụm B-C-D là quan trọng nhất không chỉ vì cụm này có nhiều đền tháp nhất (27/71) mà những bi ký cũng nhiều nhất và có niên đại kéo dài từ cuối thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XIII. Đây là khu trung tâm của Thánh địa vì cửa của các đền tháp đều quay chầu về cụm này. Nghệ thuật trang trí các đền tháp Chăm có đặc điểm tương đối đồng nhất về vật liệu, mà điển hình là các điêu khắc trên gạch, trên đá (sa thạch) và gốm với các dạng phổ biến như diềm hoa dây, tai gốm hoặc đá góc tháp, tượng, phù điêu. Các hình tượng trang trí khá đồng nhất về phong cách chung nhưng mỗi thời kỳ lại tạo thành phong cách riêng trong chi tiết. Chính đặc điểm này đã giúp các nhà nghiên cứu có thể qua đó xác định niên đại tương đối cho từng di tích. Nhà khoa học Pháp F. Stern là người đầu tiên sử dụng các thành phần cơ bản của kiến trúc Chăm là ô cửa trang trí (arcature décorative) và  trụ áp tường (pilastres) để xác lập quá trình tiến triển các phong cách nghệ thuật Champa. Tất nhiên, để bổ trợ ông còn dựa trên sự phân loại các ở diềm hoa dây (frise à guirlander),  lớp gờ ngang (corniche), trang trí góc (amorti ssement d ’ Oangle), lanh tô cửa và các trang trí đặc trưng. Trong 7 phong cách nghệ thuật được F. Stern xác định có đến hai phong cách mang tên các đền thờ Mỹ Sơn. Đó là phong cách Mỹ Sơn E1 (thế kỷ thứ VIII) và phong cách Mỹ Sơn A1 (thế kỷ X). Các đền tháp ở Mỹ Sơn được coi như những điển hình cho sự phân loại, sắp xếp tạo nên hai phong cách ấy. Cả hai phong cách này đều thuộc về những giai đoạn phát triển rực rỡ của nghệ thuật Chăm. Một phong cách khác của thế kỷ thứ XI được đặt tên là phong cách quá độ từ Mỹ Sơn A1 sang phong cách Bình Định.

Cho tới ngày nay, vẫn còn ẩn giấu trong lòng khu di tích vô số tư liệu quý báu mà nếu được nghiên cứu, khám phá sẽ cho rất nhiều thông tin, mở rộng sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, kiến trúc nghệ thuật của dân tộc và của một vương quốc đã có những thời kỳ phát triển rất huy hoàng trong lịch sử.  Các đền tháp ở Mỹ Sơn là những công trình kiến trúc tập trung thể hiện những tiêu biểu nhất, tinh hoa nhất điển hình cho nền kiến trúc nghệ thuật đương thời với những dạng thể kiến trúc độc đáo, nghệ thuật chạm khắc trên gạch và đá hết sức ấn tượng, tinh xảo, cách sử dụng vật liệu và kỹ thuật xây dựng đặc biệt. Hầu hết các phong cách kiến trúc đền tháp Chăm đều có mặt ở Mỹ Sơn và chính bản thân các đền tháp ở Mỹ Sơn tạo nên những tiêu chí cơ bản cho việc nhận diện phong cách kiến trúc nghệ thuật Chăm. Mỹ Sơn còn là nơi bảo tồn, phục hồi đa dạng hệ động thực vật quý hiếm và cũng là nơi tham quan du lịch văn hóa kết hợp với du lịch sinh thái nghỉ ngơi lý tưởng. Chính cảnh quan thiên nhiên đặc biệt, riêng có của khu di tích đã tạo nên ấn tượng mạnh mẽ để du khách có thể cảm thụ sâu sắc, đầy đủ được tính thâm nghiêm, giá trị tâm linh hàm chứa trong bản thân các đền tháp Chăm.

(Ảnh: TL)

Mỹ Sơn là khu di tích đặc biệt quan trọng, là một di sản văn hoá kiệt xuất của quốc gia và của thế giới. Nơi đây còn lưu giữ những tinh hoa văn hoá một thời rực rỡ, là niềm tự hào của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Bằng sự phát huy những giá trị, Mỹ Sơn góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - văn hoá- xã hội ở địa phương nói riêng cũng như cho đất nước nói chung. Những kiến trúc ở Mỹ Sơn tuy không còn công trình nào nguyên vẹn nhưng những dấu tích nguyên gốc còn lại vẫn là những cứ liệu tốt nhất để tìm hiểu quá trình tiến hoá đầy biến động của nghệ thuật Chăm. Hầu hết các phong cách nghệ thuật kiến trúc cũng như điêu khắc của dân tộc Chăm, Mỹ Sơn đều có các đại diện tiêu biểu cho từng phong cách. Trong suốt quá trình phát triển tại đây đã đem lại cho nghệ thuật Chăm nhiều kiệt tác có thể so sánh với những tác phẩm đẹp nhất của nghệ thuật thế giới. Ngoài những giá trị nổi bật trong hệ thống di sản dân tộc và các di tích khác trong phạm vi tỉnh Quảng Nam, Mỹ Sơn cùng với nhiều di sản, di tích khác ở khu vực với mối quan hệ liên vùng tạo nên một “Hành trình di sản” phong phú hấp dẫn. Mỹ Sơn cùng với Cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An là tam giác di sản gắn kết chặt chẽ với nhau, điều mà chưa một khu vực nào trong nước có được.

                                                                                                    NP

                                Tôn Thất Hướng