Ai là tác giả Quốc huy Việt Nam?
Họa sỹ Bùi Trang Chước sinh ngày 21-5-1915, mất ngày 27-2-1992 tại làng Phú Xá, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ông là họa sỹ chuyên sáng tác tem thư, tiền, biểu trưng, biểu tượng, huân, huy chương các loại, các loại huy hiệu, tranh sơn khắc…
Chân dung họa sĩ Bùi Trang Chước.
Là sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 1936-1941, sau khi tốt nghiệp, Bùi Trang Chước đã từng làm giảng viên ở một số trường đại học như: Giảng viên Trường Cao đẳng Kiến trúc Đà Lạt; Giảng viên Trường Mỹ thuật Hà Nội; Giảng viên Trường Mỹ thuật Công nghiệp… Năm 1942, ông là người Việt Nam và người Đông Dương đầu tiên vẽ tem thư và giấy bạc (tiền). Dấu ấn của ông trong thời gian này được lưu lại trên con tem thư có hình của Hoàng hậu Nam Phương và Hoàng thân Norodom Sihanouk lưu hành dưới chính quyền thực dân và là những con tem vô cùng quý giá đối với giới sưu tập tem. Từ năm 1954 họa sỹ Bùi Trang Chước làm việc tại Nhà in Ngân hàng, là chuyên gia vẽ tiền tại Vụ Phát hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho đến năm 1976 thì nghỉ hưu.
Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, theo chủ trương của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta về việc xây dựng mẫu Quốc huy Việt Nam, họa sỹ Bùi Trang Chước đã vẽ nhiều mẫu để làm cơ sở lựa chọn, hoàn thiện. Sau này, trong di bút của mình “Tôi vẽ mẫu Quốc huy”, họa sỹ Bùi Trang Chước đã viết: “Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam cuối cùng của tôi hồi đó là trình bày theo hình tròn, hai bên chung quanh là các bông lúa Việt Nam có mấy bông lúa rủ vào bên trong ôm cái đe ở phía dưới, tượng trưng cho công nông nghiệp. Dưới đe là dải lụa sau này có chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hai đầu dải lụa cuốn hai bên bông lúa từ dưới lên mỗi bên hai đoạn. Ở giữa phía trên trong nền là ngôi sao vàng, trên nền đỏ dưới ngôi sao gần giữa trung tâm nền là vòng cung mặt trời có tia chiếu sáng chung quanh, gợi lên hình ảnh của buổi bình minh. Toàn bộ Quốc huy tôi dùng hai màu vàng và đỏ, khi thực hiện sơn màu là sơn son thiếp vàng, màu cổ truyền hoành phi câu đối của dân tộc ta hay dùng.” Với phác thảo đó, họa sỹ đã gửi một bản trình lên Bác Hồ và được Bác góp ý kiến, Người nói: Hình tượng cái đe là thủ công nghiệp, cá thể, nên dùng hình tượng tượng trưng cho nền công nghiệp hiện đại. Và như chúng ta biết hình tượng cái đe sau đã đươc đổi thành hình bánh răng cưa.
Sau khi phác thảo xong mẫu Quốc huy, họa sỹ Bùi Trang Chước nhận một nhiệm vụ tuyệt mật của Chính phủ sang Trung Quốc để vẽ và in tiền. Việc chỉnh sửa mẫu do họa sỹ Trần Văn Cẩn thực hiện dưới ý kiến chỉ đạo của các cấp lãnh đạo và góp ý kiến của giới mỹ thuật, giữ cơ bản ý tưởng của họa sỹ Bùi Trang Chước.
Hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ bản vẽ nét của một mẫu Quốc huy hoàn thiện. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III thuộc Bộ Nội vụ cũng lưu một bản mẫu Quốc huy. Bản mẫu này được đính kèm như là Phụ lục số 1 trong bản Công báo số 22 ngày 8-8-1956 có in Sắc lệnh số 254-SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 19-1-1956, ban bố mẫu Quốc huy của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là hai mẫu hoàn thiện và cũng là hai mẫu Quốc huy chính thức của nước ta.
Quốc huy, biểu tượng chính thức và thiêng liêng của nước ta đã được Chính phủ đề nghị và đã được Quốc hội Khóa I, Kỳ họp thứ VI từ 15 đến 20-9-1956 phê chuẩn. Đó là Quốc huy theo mẫu trên, có dòng chữ tên nước ở phía dưới là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau khi nước nhà thống nhất, tại Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội thống nhất từ 24-6 đến 3-7-1976, Quốc hội đã ra Nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy và quốc ca do Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh ký. Theo đó, mẫu Quốc huy theo đúng mẫu Quốc huy trong Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký năm 1956, chỉ thay tên nước thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Như trên đã nói, việc chỉnh sửa mẫu Quốc huy đã được giao cho họa sỹ Trần Văn Cẩn. Việc này sau đó đã gây sự nhầm lẫn trong một thời gian dài về tác giả của Quốc huy. Tuy nhiên cuối cùng tác giả của tác phẩm đặc biệt này đã được trả lại cho họa sỹ Bùi Trang Chước. Như Công văn số 42/TB-VPCP ngày 27-2-2004 Văn phòng Chính phủ đã khẳng định: “Việc xây dựng mẫu Quốc huy Việt Nam được thực hiện theo chủ trương của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta. Mẫu Quốc huy Việt Nam là một cống hiến chung của giới mỹ thuật cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến công lao của họa sỹ Bùi Trang Chước - người đã vẽ những mẫu quốc huy để làm cơ sở lựa chọn, hoàn thiện và họa sỹ Trần Văn Cẩn - người đã chỉnh sửa, hoàn thiện mẫu Quốc huy theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo để trình Quốc hội phê duyệt. ” Theo kết luận đó, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã báo cáo chính thức công nhận tác giả của Quốc huy Việt Nam. Cùng thời gian này, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã tổ chức trưng bày hơn 1.000 tác phẩm được sắp xếp theo thời gian sáng tác của họa sỹ Bùi Trang Chước, nhân kỷ niệm 89 năm ngày sinh của họa sỹ, trong đó có cả các phác thảo và bản chính thức mẫu Quốc huy.
Với tài năng của một họa sỹ yêu nước, họa sỹ Bùi Trang Chước đã sáng tác nhiều tem thư, tiền, biểu trưng như biểu trưng Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); Biểu trưng ngày Thương binh Liệt sỹ; Biểu trưng Xưởng Phim Việt Nam…) Họa sỹ Bùi Trang Chước nổi tiếng với các bộ tem quý “Chân dung Hồ Chủ tịch” sáng tác năm 1951; bộ tem “Chiến thắng Điện Biên Phủ” sáng tác năm 1954. Năm 1956 họa sỹ sáng tác bộ tem có tên người nữ du kích “Mạc Thị Bưởi”. Bộ tem “Lăng Hùng Vương” do họa sỹ Bùi Trang Chước thiết kế là bộ tem bưu chính cách mạng Việt Nam đầu tiên về chủ đề giỗ Tổ Hùng Vương. Họa sỹ Bùi Trang Chước cũng là tác giả của các loại huân chương như Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công các loại. Đặc biệt, họa sỹ cũng là tác giả bức phù điêu có hình Bác Hồ được đúc bằng vàng mà phi công Phạm Tuân mang theo khi bay vào vũ trụ. Và đây cũng là mẫu huy hiệu Bác Hồ được sử dụng hiện nay.
Đánh giá về nghệ thuật của Bùi Trang Chước, họa sỹ Lê Lam, một trong những họa sỹ tài ba trong lớp họa sỹ cách mạng Việt Nam đã nhận xét: “Nghệ thuật của họa sỹ Bùi Trang Chước là sự kết tinh một cách tài tình biệt tài của một họa sỹ với lòng yêu nước sâu sắc mang đậm bản sắc Việt Nam.” Tài năng, đức độ, sự giản dị, khiêm nhường là những phẩm chất của họa sỹ Bùi Trang Chước mà cho đến nay giới họa sỹ và học trò của ông thường nhắc tới. Cả cuộc đời của họa sỹ là một hành trình sáng tạo không mệt mỏi, là một biểu tượng cho sự dâng hiến hết mình của người nghệ sỹ.
Ghi nhận tài năng và công lao của họa sỹ Bùi Trang Chước, Đảng và Nhà nước ta đã tặng họa sỹ những phần thưởng xứng đáng. Đó là Huân chương Lao động hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất. Bùi Trang Chước cũng đã được Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng Huân chương cao quý.
Trong những ngày mùa Thu tháng Tám, nhìn lên Quốc huy Việt Nam chúng ta không thể không nhớ đến người họa sỹ tài ba, tác giả của biểu tượng chính thức và thiêng liêng của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thân yêu của chúng ta.
TS NGUYỄN THỊ TÌNH