80 năm ra đời "Đề cương về văn hóa Việt Nam": Để văn hóa phát huy được thế mạnh một cách khoa học trong bối cảnh thời đại 4.0

(TGDS). Bộ VHTTDL sẽ chủ trì, phối hợp cùng các Ban, Bộ, ngành địa phương tổ chức các hoạt động, sự kiện có quy mô, ý nghĩa nhằm nhìn lại và tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Theo đó, 5 hoạt động chính gồm: Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”; Lễ kỷ niệm và Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam; Phim tài liệu 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam; Tuần phim kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam; Triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Một trong những hoạt động quan trọng nhất trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm là Hội thảo khoa học “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” do Bộ VHTTDL, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến 63 tỉnh, thành phố.

Hội thảo gồm 02 phiên: (Phiên 1) Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; (Phiên 2) Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Họp báo giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam

Phát biểu tại cuộc họp báo giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam sáng 22/02/2023, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam khẳng định, dù đã 80 năm nhưng những giá trị nền tảng, bền vững mà Đề cương về văn hóa năm 1943 tạo nên vẫn còn nguyên vẹn. Hội thảo sẽ không chỉ làm rõ giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam; quá trình vận dụng, phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người hiện nay và trong tiến trình lịch sử; những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được mà còn làm rõ các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện trong quá trình vận dụng giá trị của Đề cương trong thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả giá trị của văn kiện này vì mục tiêu phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

"Có những thời điểm ở đâu đó văn hóa chưa được đầu tư đúng mức, văn hóa chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu hưởng thụ tinh thần của đông đảo người dân. Vì vậy, vận dụng các nguyên tắc của Đề cương về văn hóa như làm thế nào để văn hóa Việt Nam thật sự phát triển mạnh mẽ, phát huy được những thế mạnh một cách khoa học, thể hiện được các giá trị bản sắc của Việt Nam trong bối cảnh thời đại 4.0 như hiện nay là cần thiết", PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương cho hay.

Đề cương về văn hóa Việt Nam được Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay là Hà Nội), tháng 2/1943. Sau 80 năm, những tư tưởng của Đề cương vẫn còn nguyên giá trị, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Quỳnh Hương

 

Top