60 năm trước, ngày 13/3/1954 mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngày 6-12-1954, Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 14-1-1954, tại hang Thẩm Púa, cách Tuần Giáo 15 km có cuộc họp quan trọng về quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án “đánh nhanh thắng nhanh”và ngày nổ súng dự định là ngày 25-1-1954. Phương án này đặt kế hoạch chiếm Điện Biên Phủ trong hai ngày ba đêm bằng tiến công ồ ạt đồng loạt, thọc sâu đã được phê duyệt. Tuy nhiên,17 giờ trước khi nổ súng, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi cách đánh từ phương án “đánh nhanh thắng nhanh” sang phương án “đánh chắc tiến chắc”. 17 giờ ngày 13-3-1954, Đại tướng ra lệnh nổ súng vào cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.

Như chúng ta biết, từ giữa tháng 11 năm 1953 bộ đội chủ lực của ta theo kế hoạch tiến lên Tây Bắc giải phóng Lai Châu, phối hợp với bộ đội Pa thét Lào tiến công địch ở Trung và Hạ Lào. Vì vậy thực dân Pháp buộc phải điều quân lên Điện Biên Phủ để bảo vệ Lai Châu và Thượng Lào. Dưới sự trợ giúp của Mỹ, Pháp đã nhanh chóng xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm 49 cứ điểm. Tướng Mỹ Ô. Danien khi đến kiểm tra đã xác nhận Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả xâm phạm” và hy vọng với tập đoàn này sẽ nghiền nát chủ lực Việt Minh ở thung lũng Mường Thanh.

Chúng ta cũng biết, ngay trong cuộc họp ngày 6-12-1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được…”. Sau đó vào ngày đầu tiên của năm mới 1-1-1954, tại cuộc họp Bộ Chính trị chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch, triển khai kế hoạch điều động lực lượng lên Tây bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử làm Tư lệnh mặt trận, Bí thư Đảng ủy. Chính trong giờ phút trao nhiệm vụ cho Đại tướng ra trận lần này, Bác Hồ nói: “Chú đi xa như vậy chỉ đạo chiến trường có gì trở ngại? Đại tướng trả lời: “Thưa Bác! Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị! Bác nói: “Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền, quyết định rồi báo cáo sau”. Bác còn nói thêm: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh”.

Năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban thường vụ TW Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thấm nhuần lời Bác, ngày 12-1-1954 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Sở chỉ huy tiền phương thị sát mặt trận. Suốt 11 ngày đêm theo dõi, nhiều đêm trăn trở, cân nhắc, Đại tướng đã đi đến kết luận: Nếu thực hiện phương châm đánh nhanh thắng nhanh thì nhất định thất bại. Từ kết quả của việc thị sát trực tiếp ấy cùng với những thông tin từ các nơi gửi về, Đại tướng đã quyết định thay đổi cách đánh từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc. Đó là một ý tưởng sáng tạo, đầy tinh thần trách nhiệm của một vị tướng tài trước một trận đánh lớn. Một cách đánh riêng theo kiểu Việt Nam nhằm thực hiện bằng được quyết tâm của Đảng, của Bác Hồ. Sau này nhớ lại thời điểm lịch sử đó, trong bức thư gửi Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ngày 19-1-1995, Đại tướng Tổng Tư lệnh viết: “…Lúc bấy giờ toàn thể cán bộ và chiến sỹ đang hăng hái triển khai kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh. Bản thân tôi thì đang khẩn trương theo sát tình hình củng cố của địch và suy nghĩ về quyết định thay đổi phương châm. Chính vào lúc đó thì nhận được ý kiến của anh Phạm Kiệt, Cục phó Cục Bảo vệ, Đặc phái viên Bộ Tổng Tư lệnh Mặt trận phát biểu bằng điện thoại. Anh trình bày vắn tắt tình hình và là người duy nhất lúc đó đã đề nghị tôi xem xét lại kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh. Tôi đánh giá rất cao ý kiến của anh Phạm Kiệt, ý kiến ấy cùng với những tin tức trinh sát từ nhiều mặt gửi về đã cung cấp cho tôi căn cứ quan trọng để đề ra với Đảng ủy thay đổi phương châm tác chiến, rút quân ra, chuyển sang kế hoạch mới: “đánh chắc, tiến chắc”.

Năm 2004, kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: Sáng ngày 26-1-1954, tại hang Thẩm Púa, lại có cuộc họp của Đảng ủy Mặt trận bàn luận về cách đánh. Vấn đề đặt ra là: Nếu theo phương án đã định trước thì các Đại đoàn tiến vào trận phải phơi mình giữa trảng trống, sẽ rơi đúng cái “bẫy hỏa lực”. Cuộc thảo luận trong Đảng ủy đã diễn ra gay go, sôi nổi. Tất cả đều cho rằng bộ đội quyết tâm cao, mọi mặt đã chuẩn bị, phải đánh nhanh, nếu không sẽ khó khăn, mất thời cơ. Nhưng khi đặt ra câu hỏi: vậy đánh nhanh có bảo đảm chắc thắng như Bác Hồ căn dặn không? Thì không ai dám khẳng định; Cuối cùng Đảng ủy đã đi đến nhất trí phải chuyển sang phương án “đánh chắc, tiến chắc”- một phương án đã từng dự kiến trước đây. Mặc dù mấy vạn quân ta đã giàn trận, đạn đã lên nòng sẵn sàng nổ súng vào đêm 26-1, nhưng chúng ta đã kiên quyết dừng lại, cho quân lui vào vị trí tập kết, kéo pháo ra để chuẩn bị trận địa đánh theo phương án mới. Quyết định thay đổi phương châm đã được triển khai, sau đó báo cáo về Trung ương Đảng bằng thư hỏa tốc, được Bác Hồ và Bộ Chính trị nhất trí và cho biết sẽ động viên hậu phương đem toàn lực chi viện cho tiền tuyến đánh thắng.

Trong gần hai tháng sau khi quyết định thay đổi phương châm tác chiến, quân đội Việt Nam tiếp tục đánh nghi binh, mở đường rộng hơn, dài hơn xung quanh cứ điểm Điện Biên Phủ, rồi lại kéo pháo vào, xây dựng công sự kiên cố, đưa pháo vào công sự, đào hệ thống giao thông hào bao vây, tiếp cận gần hơn căn cứ của quân Pháp, lương thực, vũ khí từ hậu phương dồn lên cho mặt trận nhiều hơn. Tất cả chuẩn bị cho trận đánh dài ngày.

Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trước ngày 13-3-1954, trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ, các cán bộ, chiến sỹ được đọc thư của Bác Hồ:

“Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang.

Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật. Nhiều đơn vị cũng đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới.

Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất.

Chúc các chú thắng to.

Bác hôn các chú.”

Tối 13-3-1954, Sư đoàn 312 tiến công tiểu đoàn địch ở Him Lam. Tối 14-3, Sư đoàn 308 tiêu diệt địch ở đồi Độc Lập. Thế là đợt tiến công đầu tiên bộ đội ta đã tiêu diệt gọn hai cứ điểm Him Lam và Độc Lập, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp.

Sinh thời, mỗi khi nhớ đến Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường tâm sự: Thay đổi cách đánh trong tình thế toàn mặt trận từ trên xuống dưới quyết tâm chiến đấu theo phương án đánh nhanh giải quyết nhanh, các đơn vị đã vào vị trí chiến đấu, chờ giờ nổ súng là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình. Phải là vị tướng thao lược, có bản lĩnh mới tìm ra cách đánh đúng để chiến thắng. Ngày 13-3-1954 mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc ta như một ngày mở đầu thắng lợi cho thiên sử vàng Điện Biên Phủ.

TS Nguyễn Thị Tình