21 ngày chiến đấu kìm chân địch tại Ô Cầu Dền

Trong 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội, quân và dân Thủ đô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến lược “giam chân địch càng lâu càng tốt”, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “Các chú giam chân địch một tháng là thắng lợi, đến nay giữ được 2 tháng là đại thắng lợi”. Thắng lợi này vượt qua mọi toan tính của thực dân Pháp, đập tan âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng. Trong đó, trận chiến đấu kìm chân địch 21 ngày tại chiến lũy Ô Cầu Dền (từ ngày 25-12-1946 đến ngày 15-1-1947) là tiêu biểu cho chiến thắng đó.

Ô Cầu Dền, nơi ngã tư hợp thành bởi 4 con đường: phố Duy Tân (tức Phố Huế ngày nay), phố Bạch Mai, đường Đại Cồ Việt, đê Bành Lao (nay là đường Trần Khát Chân). Đối với Liên khu II, trận tuyến Ô Cầu Dền có vị trí trọng yếu như một “quyết chiến điểm” bởi nơi đây là một trong những cửa ngõ chính lưu thông giữa Hà Nội về phía Nam và ngược lại. Sự tồn tại của vị trí này có tác động quyết định tới tình hình chiến sự toàn Liên khu II1.

Ô Cầu Dền năm 1946.

Nhận rõ đặc điểm đó nên ngay từ tháng 11-1946, dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Bộ Chỉ huy Chiến khu 11, Ban Bảo vệ Liên khu II đã vận động quần chúng nhân dân đóng góp công sức và vật liệu xây dựng đắp ụ chiến đấu ở cửa Ô Cầu Dền. Chiếc ụ có chiều dài khoảng 16 mét, chân rộng 5 mét, bề mặt lũy rộng 4-5 mét, chiều cao 3 mét, sau tôn cao dần theo yêu cầu chiến đấu tới 4,5 mét. Thân ụ chôn đứng ba hàng cọc, mỗi hàng 10 cây gỗ đường kính từ 35 cm tới 40 cm, lòng ụ lèn đất đá kết hợp với tre, gỗ rải ngang từng lớp đầm chặt2.

Mặt trước, ụ Ô Cầu Dền trông thẳng sang Phố Huế, bên phải và bên trái là dòng sông Tô Lịch chảy dọc theo đê Bành Lao và đường Đại Cồ Việt khiến cho xe tăng, xe bọc thép và các phương tiện cơ giới của địch không thể vượt qua. Ðể chiến đấu có hiệu quả, quân ta còn tổ chức các ổ chiến đấu ở trên ụ và ven bờ đê của sông Tô Lịch. Quân dân Liên khu II hồi ấy tự hào gọi chiến lũy của mình là “chiến lũy Maginot” (một chiến lũy nổi tiếng của Pháp trong cuộc chiến đấu chống phát xít Đức hồi Chiến tranh thế giới thứ II), còn quân Pháp sau này gọi là “chiến lũy chết người”3.

Các chiến sĩ giải phóng quân bày kế kìm chân địch.

Lực lượng chủ lực tại chiến tuyến có Đại đội 3, Tiểu đoàn 77 do Đại đội trưởng Nguyễn Văn Mẫn chỉ huy chốt giữ chủ yếu tại chiến lũy Ô Cầu Dền. Ngoài ra có một trung đội án ngữ đường Đại Cồ Việt, một trung đội giữ đê Bành Lao. Các Đại đội tự vệ được bố trí xung quanh, cùng với đoàn viên các đoàn thể (phụ nữ, thanh niên, công nhân, nông dân) tổng cộng khoảng 500 người.

Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt từ ngày 25 đến ngày 28-12-1946, quân Pháp liên tiếp mở nhiều đợt tiến công vào chiến lũy Ô Cầu Dền.

Sáng sớm ngày 25-12-1946, địch cho máy bay dội bom xuống khu vực trận địa, làm nhiều ngôi nhà bị đổ sập, tiếp đó dùng xe tăng và xe bọc thép tiến công từ phía phố Huế. Quân ta chống trả quyết liệt, hơn 100 tên địch xông lên đánh phá ụ trực tiếp hòng mở đường nhưng thất bại. Trận đánh kéo dài đến 17 giờ, địch vẫn không đột phá được chiến lũy, đành rút lui mang theo 30 xác chết. Đêm đó, quân ta củng cố lại chiến lũy và rút kinh nghiệm tác chiến.

Hình ảnh Ô Cầu Dền.

Sáng 26-12-1946, quân Pháp mở đợt tấn công từ đê Bành Lao. Địch ào lên vượt qua đê nhưng bị chặn lại. 3 giờ chiều cùng ngày, quân địch phải rút lui.

Khi sử dụng bộ binh không hiệu quả, ngày 27-12-1946, địch cho máy bay và đại bác dội bom, bắn phá trực tiếp vào ụ nhằm xóa sổ chiến lũy. Quân ta vừa phòng ngự, vừa củng cố chiến lũy đảm bảo vững vàng. Tối hôm đó, Bộ Chỉ huy tăng cường cho lực lượng phòng ngự tại Ô Cầu Dền một khẩu ba-zô-ka của Mỹ cùng 5 viên đạn. Đây là vũ khí chống tăng rất hiếm lúc đó, bắn đạn lõm, độ xuyên phá xe tăng hiệu quả hơn hẳn bom ba càng. Điều này cho thấy tính chất quan trọng và mức độ ác liệt của các trận chiến tại khu vực này.

Ngày 28-12-1946, địch tổ chức tiến công với quy mô lớn. Rút kinh nghiệm từ những trận trước, quân ta chỉ nổ súng khi bộ binh địch ùa lên chiếm vị trí. Cuộc chiến diễn ra vô cùng quyết liệt và kéo dài đến chiều. Một chiếc xe tăng và xe bọc thép áp sát gần ụ Ô Cầu Dền. Khẩu ba-zô-ka được mới được trang bị nhưng cán bộ, chiến sĩ chưa có kinh nghiệm sử dụng. Khi đó, một chiến sĩ người Nhật (vốn là hàng binh người Nhật, lúc đó gọi là “người Việt Nam mới” tên Akáuda (A-ka-su-da, lấy tên Việt Nam là Hồ Chí Tâm) được quyết định sử dụng súng4. Chờ một trận bom và đại bác vừa dứt, đồng chí Tâm trườn lên ụ, giương súng nhằm vào chiếc xe tăng và nhả đạn. Tiếng nổ xé trận địa, xe tăng địch bốc cháy. Tiếp đó, đồng chí bắn tiếp hai quả đạn tiêu diệt thêm một xe bọc thép. Nắm lấy thời cơ, các chiến sĩ thừa thế xông lên phản kích, đội hình địch hoảng loạn phải rút chạy. Tuy nhiên, chiến sĩ người Nhật bị trúng đạn khi đang trườn xuống ụ và hy sinh anh dũng.

Ô Cầu Dền, nơi ngã tư hợp thành bởi 4 con đường: phố Duy Tân (tức Phố Huế ngày nay), phố Bạch Mai, đường Đại Cồ Việt, đê Bành Lao (nay là đường Trần Khát Chân).

Từ ngày 29-12-1946 trở đi, địch vẫn không ngừng tổ chức các đợt tiến công vào Ô Cầu Dền nhưng với quy mô nhỏ hơn và đều thất bại. Ban ngày ta lui về phía Nam chiến tuyến phòng ngự, ban đêm lại vượt ụ, vượt đê tập kích các chốt của địch.

Ngày 15-1-1947, nhận thấy vị trí phòng ngự của quân ta lộ điểm sơ hở, quân Pháp giở thủ đoạn mới. Chúng di chuyển quân bằng ca-nô xuôi dòng sông Hồng, vượt qua Vĩnh Tuy, Mai Động chiếm ngã tư Trung Hiền. Đồng thời một cánh quân khác tiến về phía Việt Nam học xá (nay là khu vực Đại học Bách khoa). Trước các mũi tấn công của địch, ta chủ động tổ chức cho bộ đội và nhân dân rút khỏi khu vực Ô Cầu Dền để bảo toàn lực lượng.

Chiến lũy Ô Cầu Dền kiên cường chiến đấu kìm chân địch suốt 21 ngày (từ ngày 25/12/1946 – 15/1/1947), xứng đáng là biểu tượng của ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Thủ đô. Đây là một trận địa phòng ngự điển hình tại Hà Nội, góp phần làm thất bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp và thắng lợi chung trong 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô Hà Nội.

Thuận Nguyễn