20 năm Hội Di sản Văn hoá Việt Nam (2004-2024): Đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá

Sáng ngày 16-11, tại Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao huyện Đông Anh (Hà Nội), Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 và 20 năm thành lập Hội (2004-2024).

Dự Lễ kỷ niệm có bà Ngô Thị Thanh Hằng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; GS.TS Lưu Trần Tiêu - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, nguyên Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam; nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Trần Chiến Thắng, Đặng Thị Bích Liên, Hồ Anh Tuấn; ông Lê Trung Kiên – Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch HĐND huyện Đông Anh; đại diện một số đơn vị huyện Đông Anh; đại diện một số ban ngành Trung ương vàHà Nội; các đồng chí Lãnh đạo Hội, các Ủy viên Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành, đại diện các tổ chức cơ sở Hội và một số hội viên của Hội.

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm đã diễn ra các màn biểu diễn nghệ thuật

Trong diễn văn phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội đã điểm lại quá trình xây dựng và phát triển Hội. Theo đó, di sản văn hoá được Đảng và Nhà nước khẳng định là bản sắc của dân tộc, là cơ sở để xây dựng nền văn hoá mới, là một nguồn lực nội sinh quan trọng trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Cùng với sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vào năm 1998 và sau đó là Luật Di sản văn hoá lần đầu tiên được ban hành vào năm 2001, trong bối cảnh vai trò của quần chúng nhân dân, của cộng đồng và các tổ chức, cá nhân trong xã hội ngày càng có ý nghĩa quan trọng, trở thành một lực lượng không thể thiếu trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá; việc ra đời của Hội Di sản Văn hoá Việt Nam là một nhu cầu khách quan, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của đông đảo những người hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hoá và tâm huyết với di sản văn hoá.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đọc diễn văn Lễ kỷ niệm

Ngày 20-2-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin đã ban hành quyết định công nhận Ban Vận động thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Ngày 23-4-2004, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 28/2004/QĐ-BNV cho phép thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Ngày 23 tháng 4 năm 2004 đã trở thành ngày ra đời của Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, một tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tự nguyện của công dân và tổ chức Việt Nam đã và đang hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hoá, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hoá thế giới.

Hội Di sản Văn hoá Việt Nam đã tổ chức Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2004-2009  vào 28-6-2004. Từ  đó đến nay, Hội đã tổ chức định kỳ 4 kỳ đại hội và 20 kỳ Hội nghị Ban Chấp hành luân phiên ở các địa phương. Từ một vài tổ chức và vài trăm hội viên buổi đầu thành lập, đến nay Hội Di sản Văn hoá Việt Nam đã xây dựng được hệ thống tổ chức tương đối rộng khắp từ Trung ương đến địa phương với gần 200 tổ chức thành viên và gần 20.000 hội viên, phong phú, đa dạng về loại hình, trở thành những cánh tay nối dài của Hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá và lan toả tình yêu di sản văn hoá.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh: “Qua 20 năm xây dựng và phát triển Hội, cũng bước đầu để lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là những bài học kinh nghiệm về việc nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn chỉ, mục đích của Hội, bài học về tinh thần khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đa dạng hoá các hình thức hoạt động; bài học về xây dựng mối quan hệ, sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Hội vì mục đích chung; bài học về coi trọng tính hiệu quả, làm việc bài bản, khoa học, bộ máy làm việc tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…”.

Nhân dịp này, Chủ tịch Hội phát động thi đua trong toàn Hội, kêu gọi toàn thể các tổ chức Hội và hội viên trong toàn Hội phấn đấu, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Di sản Văn hoá Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hoá Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Di sản văn hóa Việt Nam” và Bằng khen cho các cá nhân đã có đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam và sự phát triển Hội 

Phát biểu tại buổi Lễ, bà Nguyễn Thị Tám – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, cho biết, Đông Anh là một trong những vùng đất cổ với bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng. Trên địa bàn huyện Đông Anh hiện có 413 di tích, những bảo vật quốc gia quý giá, 98 lễ hội dân gian, 128 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được ghi danh. Đông Anh cũng nổi tiếng với nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống độc đáo như: Múa rối nước Đào Thục, ca trù, tuồng, chèo... Việc Lễ kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam và 20 năm thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam được tổ chức tại ĐôngAnh cũng là dịp để các đại biểu thêm hiểu và yêu mảnh đất Đông Anh.

Trao tặng Bằng khen cho các tập thể và đơn vị thuộc Hội đã có đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam và sự phát triển của Hội 

Trao tặng Bằng khen cho cá nhân đã có đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam và sự phát triển Hội 

Nhân dịp này, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Di sản văn hóa Việt Nam” và Bằng khen cho các cá nhân đã có đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam và sự phát triển của Hội.

Trình diễn áo dài của nhà thiết kế Hàn Việt Phượng

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm đã diễn ra các màn biểu diễn nghệ thuật và trình diễn áo dài.   

Trước đó, buổi sáng cùng ngày, các đại biểu đã dâng hương tại đền thờ An Dương Vương thuộc Khu Di tích Cổ Loa. Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu tham quan Khu Di tích Cổ Loa.

Quỳnh Hương