15 năm thành lập Trung tâm, Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam

(TGDS). Chiều 12-9, tại Hà Nội, Trung tâm, Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập và đón nhận Bằng khen các cấp. Nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành cùng hơn 500 nhà khoa học đã tham dự buổi Lễ.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương chia sẻ: “Tôi đã từng đến thăm Bảo tàng và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, xem các kho lưu trữ và hiểu được phần nào công việc mà MEDDOM đang làm. Hàng triệu hiện vật được lưu giữ tại đây giúp cho thế hệ sau hiểu về các nhà khoa học, về di sản khoa học của cha ông”.

Toàn cảnh buổi Lễ

Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, khẳng định: Hơn một thập kỷ qua, với tư cách là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp của những người hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa và những người tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam luôn luôn sát cánh, đồng hành, quan tâm, cổ vũ, khuyến khích các hoạt động của Trung tâm, Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Hội Di sản Văn hóa Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Chi hội Di sản Văn hóa Trung tâm, Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Hoạt động của Chi hội đã góp phần vào hoạt động của Trung tâm, Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam và xây dựng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam trao Bằng khen cho các cá nhân của Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam

Nhân dịp này, một số cá nhân có thành tích xuất sắc của Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Cao Phong (Hòa Bình); Bằng khen và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Di sản Văn hóa Việt Nam” của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam do Tập đoàn y tế MED-GROUP đầu tư toàn diện, có sứ mệnh nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học Việt Nam. Sự ra đời của MEDDOM đã xác lập những quan niệm mới mẻ về một loại hình di sản đặc biệt - di sản của các nhà khoa học Việt Nam.

Sau 15 năm xây dựng và phát triển, MEDDOM tiếp cận và nghiên cứu gần 3.000 nhà khoa học ở tất cả các chuyên ngành, lĩnh vực khoa học và đã sưu tầm gần 1 triệu tài liệu hiện vật, hàng trăm ngàn phút ghi âm, ghi hình ký ức, câu chuyện của các nhà khoa học Việt Nam. Đây là khối di sản “khổng lồ” có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử cuộc đời các nhà khoa học, lịch sử các ngành/lĩnh vực khoa học, lịch sử giáo dục, chính trị-xã hội…

Công tác nghiên cứu, phát huy di sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm bên cạnh việc sưu tầm, lưu trữ và bảo tồn di sản. MEDDOM đã xuất bản nhiều ấn phẩm, tổ chức nhiều trưng bày, triển lãm về di sản của các nhà khoa học, thu hút đông đảo công chúng quan tâm và đặc biệt là môi trường học tập, trải nghiệm cho thế hệ trẻ.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ

Bên cạnh việc đẩy mạnh các nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, phát huy di sản, Tập đoàn MED-GROUP đã đầu tư mạnh mẽ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, kiến trúc cho Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam ở Cao Phong, Hoà Bình. Từ một vùng đất đồi chỉ trồng cam và mía, đến nay, Công viên đã có diện mạo hoàn toàn mới, với nhiều công trình kiến trúc độc đáo. Từ năm 2016, mỗi năm Công viên thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, trở thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách trong cả nước. Đây là mô hình công viên di sản-văn hoá độc đáo trên cả nước, với giá trị lõi là di sản của các nhà khoa học. Tháng 11-2021, Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam được cấp phép hoạt động, trở thành bảo tàng ngoài công lập đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản của các nhà khoa học Việt Nam.

                                                                                      P.V

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Top