15 năm Hội Di sản Văn hóa Việt Nam (2004-2019): Nơi hội tụ và lan tỏa tình yêu với di sản

Sáng 14-12, tại Hà Nội, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập và Trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Di sản Văn hóa Việt Nam (đợt 2). Dự Lễ kỷ niệm có Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Danh dự Hội Di sản Văn hóa Việt Nam Nguyễn Khánh; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên BCH Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; đại diện các tổ chức thuộc Hội trong cả nước; đại diện các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương; các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội, nhấn mạnh: Điều khó khăn nhất đối với một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, như Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, là hoạt động theo nguyên tắc “tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí”, tự lo mọi việc từ Trụ sở đến phương tiện làm việc, kinh phí tổ chức các hoạt động, in ấn, phát hành các số Tạp chí Thế giới Di sản. Mặc dù vậy, bằng tâm huyết, ý thức trách nhiệm của những người hoạt động trên lĩnh vực di sản văn hóa, sự giúp đỡ thiết thực của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và cộng đồng, Hội và các tổ chức, đơn vị thuộc Hội từng bước khắc phục khó khăn, có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của từng địa phương nói riêng và của cả nước nói chung. Hội ngày càng thiết lập và mở rộng mối quan hệ hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài, trở thành ngôi nhà chung, một “sân chơi” bình đẳng, lành mạnh, thiết thực của tất cả các tổ chức và cá nhân quan tâm tới di sản văn hóa dân tộc. Hội đóng góp tiếng nói có uy tín về các vấn đề di sản văn hóa được dư luận và xã hội quan tâm, thông qua việc tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, các sự kiện về di sản văn hóa. Ý kiến của Hội đã được các Bộ, ban, ngành ghi nhận và đánh giá cao. Sức lan tỏa của các tổ chức Hội ngày càng rộng hơn thông qua việc tuyên truyền và tổ chức ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11) hàng năm từ năm 2005 đến nay.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã trao Bằng khen của Thủ tướng cho Hội DSVH Việt Nam

Ôn lại truyền thống 15 năm qua, GS Tiêu khẳng định: Mục đích hoạt động của Hội là tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.Kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội là dịp để các cấp Hội, hội viên cả nước cùng nhìn lại những thành quả đã đạt được và cũng là dịp những người hoạt động, quan tâm di sản văn hóa cả nước có những nhìn nhận, giải pháp để đạt mục đích đó. Trong thời gian tới, Hội sẽ tập trung củng cố và phát triển Hội một cách bền vững; Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Cơ quan ngôn luận của Hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Tăng cường tiếng nói của Hội đối với những vấn đề di sản văn hóa mà xã hội đang quan tâm…

Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp di sản văn hóa Việt Nam” đợt II - năm 2019 cho 283 cá nhân

Với những hoạt động trên, uy tín và vị thế của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam ngày càng được nâng cao, được các cơ quan quản lý và xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Nhân dịp này, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì Đã có nhiều thành tích trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.  

Cũng nhân dịp này, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp di sản văn hóa Việt Nam” đợt II - năm 2019 cho 283 cá nhân, gồm: 121 cá nhân do Lãnh đạo Hội đề cử theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp di sản văn hóa Việt Nam”; 133 cá nhân do các tổ chức Hội đề xuất; 29 cá nhân thuộc các doanh nghiệp là nhà tài trợ của chương trình. Đây là một trong những hình thức khen thưởng cao nhất của Hội, được tiến hành trao tặng thường xuyên hàng năm, góp phần phát huy truyền thống và nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa, động viên và thu hút mọi tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa của Đảng và Nhà nước. Việc này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh nhận thức về vai trò của di sản và trách nhiệm của toàn xã hội đối với di sản văn hóa chưa đầy đủ; ý thức pháp luật trong việc tôn tạo và bảo vệ di sản chưa cao; chưa rõ trách nhiệm trong bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích; không ít di sản đang đứng trước nhiều thách thức và có nguy cơ mai một…

Ngày 23 tháng 4 năm 2004, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định cho phép thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Ngay sau khi thành lập, Hội đã khởi xướng và kiến nghị với Bộ Văn hóa -  Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc lấy ngày 23-11 hàng năm (ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65/SL ngày 23-11-1945 về việc bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam) là ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. Từ năm 2005, hàng năm, đến dịp này, ở Trung ương, Hội đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan có liên quan tổ chức các hoạt động phong phú, với các chủ đề khác nhau. Ở các hội địa phương và các tổ chức hội trong cả nước, theo định hướng của Trung ương Hội, đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan có các hoạt động kỷ niệm phong phú, thiết thực. Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam đã trở thành ngày hội của toàn dân tham gia bảo vệ di sản văn hóa dân tộc.

Từ số lượng hội viên là 719 người tại thời điểm thành lập Hội vào năm 2004, đến nay Hội đã có hơn 10.000 hội viên sinh hoạt trong hệ thống tổ chức cơ sở Hội gồm: 11 hội cấp tỉnh, thành phố, 4 liên chi hội, 102 chi hội, 5 câu lạc bộ, 2 hội viên tập thể, 18 đơn vị trực thuộc Hội (gồm Văn phòng Hội, Văn phòng đại diện Hội khu vực phía Nam, Tạp chí Thế giới Di sản (in và điện tử), Tạp chí Vietnam Heritage, các công ty, trung tâm, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam).

Bài: Quỳnh Hương

Ảnh: Tạ Đình Dũng - Lê Thanh Bình

 

 

Top