10 Sự kiện Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2015

Dưới đây là 10 sự kiện Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2015 được bình chọn bởi Tạp chí Thế giới Di sản - Cơ quan của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam:

1. Phong tặng và Truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ nhân ưu tú đợt I cho 617 cá nhân

Ngày 13-11-2015, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành Quyết định số 2533/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ nhân ưu tú cho 600 cá nhân và Quyết định số 2534/QĐ-CTN về việc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ nhân ưu tú cho 17 cá nhân đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

2. Nghi lễ và trò chơi Kéo co của Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Ngày 2-12-2015, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO, diễn ra tại thành phố Windhoek (Cộng hòa Namibia), Nghi lễ và trò chơi kéo co đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia lập Hồ sơ đa quốc gia, gồm Việt Nam, Campuchia, Philippines và Hàn Quốc đệ trình UNESCO về Di sản Thế giới.

3. Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng lần thứ 2 được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới. 

Ngày 3-7-2015, tại Kỳ họp lần thứ 39 của Ủy ban Liên chính phủ diễn ra tại thành phố Bonn (CHLB Đức), Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng lần thứ 2 được ghi danh là Di sản Thiên nhiên Thế giới, theo tiêu chí “Lịch sử trái đất và đặc điểm địa chất có giá trị nổi bật toàn cầu’.

Cũng trong năm 2015, Hang Sơn Đoòng được ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam được Tạp chí khoa học Smithsonian (Mỹ) xếp số 1 trong Danh sách 25 địa điểm của thế giới nên ghé thăm của thế kỷ 21.

4. Nhiều hoạt động kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại Thi hào Nguyễn Du (1765-2015)

Ngày 5-12-2015, tại thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm cấp Quốc gia 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới (1765 - 2015).
Cũng trong dịp này, tại Khu Di tích Nguyễn Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã diễn ra nhiều hoạt động phong phú tưởng nhớ, tri ân những đóng góp kiệt xuất của Đại thi hào Nguyễn Du đối với nền văn học, nghệ thuật nước nhà và văn hóa nhân loại.

5. Nhiều hoạt động sâu rộng trên cả nước kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh về Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc và ngày Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2015

Nhân kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65 về Bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam (23-11-1945/23-11-2015) và ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11-2015, trên cả nước đã diễn ra nhiều hoạt động nhằm góp phần phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Từ 15-11 đến 23-11-2015, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, Sơn Tây, Hà Nội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan ở Trung ương và địa phương tổ chức Tuần lễ “Đại Đoàn kết dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam”.

6. Xếp hạng 11 Di tích quốc gia đặc biệt và công nhận 25 Bảo vật quốc gia

 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng 11 Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 6) và công nhận 25 Bảo vật quốc gia (đợt 4). Đến thời điểm này, cả nước đã có 73 Di tích quốc gia đặc biệt và 104 Bảo vật quốc gia.

7. Phê duyệt danh sách thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhiệm kỳ 2015-2019

Ngày 12-5-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 621/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách 27 thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nhiệm kỳ 2015 - 2019.

Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề quan trọng liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tham mưu đề xuất về các vấn đề về phương hướng, chiến lược, các chính sách lớn về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; công nhận bảo vật quốc gia; thành lập bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành; đề nghị UNESCO đưa di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu và di tích tiêu biểu của Việt Nam vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới…

8. Tổng kết 10 năm thực hiện Quy hoạch tổng thể Hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020.

Ngày 24-9-2015, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổng kết 10 năm (2005-2015) thực hiện “Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 156/2005/QĐ-TTg ngày 23-6-2005 của Thủ tướng Chính phủ và định hướng thực hiện Quy hoạch giai đoạn 2016-2020. 
Bên cạnh những kết quả đạt được về xây dựng luật pháp; củng cố, nâng cấp; đổi mới nội dung và hình thức; một số bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn…; Hệ thống bảo tàng Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặc biệt là thiếu hấp dẫn, hiệu quả hoạt động chưa cao…

9. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội có những chuyển biến tích cực

Thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5-2-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, với sự vào cuộc quyết liệt, sự phối hợp đồng bộ và sự tham gia của cộng đồng; công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2015 đã có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch, một số hiện tượng phản cảm, thiếu văn minh, lịch sự…gây bức xúc trong dư luận vẫn tồn tại, cần phải có các biện pháp đồng bộ, đồng thuận và quyết liệt hơn nữa.

10. Vai trò của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng được tăng cường

Tổ chức Hội trong cả nước ngày càng được củng cố. Kết nạp Hội Di sản Văn hóa tỉnh Quảng Ngãi và Hội Cổ vật thành phố Hải Phòng là Hội thành viên của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

Vai trò phản biện của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, từ Trung ương Hội, các hội cấp tỉnh và các cơ sở Hội về di sản văn hóa được đẩy mạnh, thông qua một số cuộc tọa đàm khoa học về tục hiến sinh trong Lễ hội truyền thống ở Việt Nam, về xây dựng và phát triển bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam, về việc phong tặng danh hiệu về di sản văn hóa…

Một số vấn đề về Di sản văn hóa, được xã hội quan tâm:

- Hiệu quả hoạt động của các bảo tàng Việt Nam

- Về quản lý và tổ chức các di sản thế giới ở Việt Nam

- Về hiệu quả hoạt động của các di tích quốc gia đặc biệt

- Về chất lượng bảo tồn, tu bổ một số di tích lịch sử-văn hóa

- Vấn đề quản lý và tổ chức lễ hội dân gian…

Tạp chí Thế giới Di sản